Câu hỏi phổ biến mà nhiều người thường đặt ra là liệu kinh phí công đoàn có trừ vào lương không? Đối tượng đóng kinh phí công đoàn gồm những ai? Trong bài viết dưới đây, AZTAX sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này và cung cấp thêm những thông tin cần biết về kinh phí công đoàn.
1. Đối tượng đóng kinh phí công đoàn
Căn cứ Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP, quy định về đối tượng đóng kinh phí công đoàn tại Khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn. Cụ thể:
1. Cơ quan nhà nước (kể cả Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn), đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
2. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
3. Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.
4. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư.
5. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật hợp tác xã.
6. Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam.
7. Tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Như vậy, đối tượng phải đóng kinh phí công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp kể cả đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở. Người lao động không phải là đối tượng đóng kinh phí công đoàn, mà chỉ tham gia đóng đoàn phí công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn số 12/2012/QH13.
Xem thêm: Các công ty tại sao trả lương ngày 15 hàng tháng?
2. Mức đóng kinh phí công đoàn năm 2023
Căn cứ Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP của Chính Phủ, quy định về mức đóng kinh phí công đoàn. Theo đó, mức đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương. Quỹ tiền lương này là tổng mức lương của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Để biết thêm về mức lương tham gia bảo hiểm, vui lòng truy cập bài viết mức lương đóng BHXH.
Như vậy, mức đóng kinh phí công đoàn năm 2023 vẫn được giữ nguyên là 2% quỹ tiền lương. Đây là căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Kinh phí này được nộp vào tài khoản ngân sách nhà nước theo quy định quy chế lương thưởng của pháp luật.
3. Kinh phí công đoàn có trừ vào lương không?
Căn cứ theo Điều 4, 5 và 6 Nghị định 191/2013/NĐ-CP, kinh phí công đoàn không được trừ vào lương của người lao động. Bởi, đó là khoản tiền do đơn vị sử dụng lao động đóng riêng, không được tính vào khoản lương chi trả cho người lao động.
Thông thường, khi tính toán kinh phí công đoàn, một phần sẽ được nộp cho công đoàn cấp trên. Phần còn lại được sử dụng trong hoạt động công đoàn của doanh nghiệp.
Xem thêm: Thực trạng tiền lương ở nước ta hiện nay?
Xem thêm: Dịch vụ xin giấy phép lao động cho người nước ngoài
4. Mức phạt không đóng phí công đoàn
Các doanh nghiệp có nghĩa vụ phải đóng kinh phí công đoàn. Trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ này, sẽ bị phạt hành chính. Căn cứ Điều 38 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt được quy định cụ thể như sau:
– Phạt từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính. Tuy nhiên, mức phạt tối đa không vượt quá 75 triệu đồng. Áp dụng cho người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:
- Trễ hạn đóng kinh phí công đoàn;
- Không tuân thủ mức đóng kinh phí công đoàn quy định;
- Không đáp ứng đủ số lượng thành viên phải đóng kinh phí công đoàn.
– Phạt từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính và không quá 75 triệu đồng. Áp dụng cho người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải nộp thêm số tiền lãi cho tổ chức công đoàn tương ứng với số tiền chậm đóng, đóng thiếu hoặc chưa đóng theo mức lãi suất gửi tiền không kỳ hạn cao nhất của Ngân hàng thương mại. Thời hạn nộp phạt kể từ thời điểm có quy định xử phạt là 30 ngày.
Xem thêm: Người lao động làm bao lâu thì được nâng lương?
5. Một số câu hỏi thường gặp
5.1 Doanh nghiệp phải thành lập công đoàn khi nào?
Căn cứ Điều 6 Luật Công đoàn 2012 số 12/2012/QH13, công đoàn được thành lập dựa trên sự tự nguyện và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Tức là không có quy định nào bắt buộc doanh nghiệp phải thành lập tổ chức công đoàn.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp quyết định thành lập công đoàn, thì công đoàn đó được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Đồng thời, phải tuân thủ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước. Về phía người lao động, họ có quyền lựa chọn tham gia hoặc không tham gia công đoàn.
5.2 Doanh nghiệp phải trích nộp kinh phí công đoàn khi nào?
Căn cứ Điều 6 Nghị định 191/2013/NĐ-CP, quy định về phương thức đóng kinh phí công đoàn. Theo đó, kinh phí công đoàn của doanh nghiệp thường được đóng mỗi tháng một lần. Và phải đóng cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông – lâm – ngư và diêm nghiệp, thường trả tiền lương theo chu kỳ sản xuất hoặc kinh doanh.Việc đóng kinh phí công đoàn trong các lĩnh vực này sẽ được thực hiện theo tháng hoặc quý. Và đóng cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trên cơ sở đăng ký với tổ chức công đoàn.
AZTAX đã trình bày rõ về việc kinh phí công đoàn có trừ vào lương hay không, cũng như các thông tin liên quan đến kinh phí công đoàn. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức bổ ích. Hãy luôn theo dõi AZTAX để liên tục cập nhật những thông tin mới nhất nhé!
Xem thêm: Quy định đi trễ, về sớm như thế nào?
Xem thêm: Công ty không tăng lương có bị phạt không?