Các thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân gồm những gì? Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân được quy định thế nào? Đây là câu hỏi phổ biến khi chủ doanh nghiệp muốn thành lập công ty tư nhân. Mời quý bạn đọc cùng AZTAX tìm hiểu các vấn đề về quy định thành lập doanh nghiệp tư nhân trong bài viết dưới đây!
1. Điều kiện thành lập doanh nghiệp tư nhân
Thành lập doanh nghiệp tư cần có các điều kiện riêng cũng như các điều kiện chung cơ bản.

1.1 Điều kiện riêng
Chiếu theo nội dung tại Điều 188 và khoản 1 Điều 189 Luật Doanh nghiệp (2020) quy định điều kiện thành lập đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân như sau:
- Mỗi người chỉ được thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân không được là chủ hộ kinh doanh hoặc là thành viên của công ty hợp danh.
- Công ty tư nhân không được phép phát hành chứng khoán.
- Không được góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần/phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty cổ phần, công ty TNHH.
- Người sở hữu công ty tư nhân là người đại diện theo pháp luật và có trách nhiệm vô hạn đối với các rủi ro của công ty.
- Nguồn vốn đầu tư của công ty tư nhân do chủ công ty tự xác định, đồng thời phải được đăng ký chính xác với cơ quan có thẩm quyền.
1.2 Điều kiện chung
Doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng những điều kiện theo quy định và nộp hồ sơ và lệ phí đầy đủ để hoàn thành thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp. Dưới đây là các điều kiện chung cần được thoả mãn khi thành lập bất cứ loại hình doanh nghiệp nào.
1.2.1 Điều kiện về tên doanh nghiệp
Khi đặt tên phải đảm bảo không gây nhầm lẫn với tên của các doanh nghiệp khác đã được đăng ký trước. Tên doanh nghiệp phải được đặt theo đúng các quy định như: gồm cả hai thành tố (loại hình + tên riêng) có thể bằng Tiếng Việt hoặc Tiếng Anh. Thông thường, doanh nghiệp sẽ có 03 tên (tên bằng Tiếng Việt, tên bằng tiếng Anh và tên viết tắt).
Doanh nghiệp không sử dụng các từ vi phạm những chuẩn mực về văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Doanh nghiệp có thể truy cập vào “Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp” để tra cứu trước khi đặt tên.
1.2.2 Điều kiện về trụ sở chính
Theo quy định của Điều 35 Luật doanh nghiệp (2020) định nghĩa trụ sở chính như sau:
Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc, giao dịch của doanh nghiệp; phải ở trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, tên phố (ngõ phố) hoặc tên xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
Chủ doanh nghiệp cần liên hệ Ủy ban nhân dân Quận/Huyện để được cấp số nhà đối với trường hợp nơi dự định đặt trụ sở chính chưa có số nhà, trước khi đăng ký kinh doanh. Bởi theo Điều 35 Luật doanh nghiệp (2020) Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ không giải quyết với những các trường hợp doanh nghiệp có địa chỉ trụ sở chưa đầy đủ.
1.2.3 Điều kiện về ngành nghề kinh doanh
Ngành nghề kinh doanh thông thường: Doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện và quy định về cơ sở vật chất để đảm bảo hoạt động kinh doanh.
Ngành nghề kinh doanh có điều kiện: Nội dung tại Điều 7 Luật Đầu tư (2020) đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải đáp ứng điều kiện vì lý do an ninh quốc phòng, quốc gia, trật tự, an toàn đạo đức xã hội và sức khỏe của cộng đồng.
1.2.4 Điều kiện về vốn
Vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân do người sở hữu tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền ấn định tổng vốn đầu tư, song phải đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư.
Trong đó, doanh nghiệp phải nêu rõ số vốn như quy định tại Điều 189 Luật Doanh nghiệp (2020):
Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản.
Theo như quy định, chủ doanh nghiệp tư nhân được quyền tự quyết định và không có quy định mức vốn đầu tư tối thiểu. Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân nên người sở hữu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với các vấn đề rủi ro của doanh nghiệp.
1.2.5 Điều kiện về chủ thể doanh nghiệp
Chiếu theo quy định tại Điều 190 Luật Doanh nghiệp (2020) về chủ doanh doanh nghiệp tư nhân cụ thể như sau:
Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; trường hợp này, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.
Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, người sở hữu doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với toàn bộ hoạt động kinh doanh của đơn vị.
2. Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân

2.1 Bước 1 “Chuẩn bị thông tin về doanh nghiệp”
Người thành lập doanh nghiệp tư nhân sẽ phải tổng hợp một số thông tin để thực hiện bước đầu tiên trong thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân.
Ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh;
- Trụ sở chính;
- Tên doanh nghiệp;
- Xác định tổng số vốn đầu tư.
2.2 Bước 2 “Chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân”
Hồ sơ đăng ký kinh doanh doanh nghiệp tư nhân theo như quy định tại Điều 19 Luật doanh nghiệp (2020). Cụ thể:
- Đơn đề nghị đăng ký doanh nghiệp (mẫu tại Phụ lục I-1, Thông tư số 01/2013/TT-BKH);
- Bản sao hợp lệ giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực của chủ doanh nghiệp (Hộ chiếu hoặc CCCD/CMND);
- Giấy tờ uỷ quyền cho người nộp thủ tục.
2.3 Bước 3 “Nộp hồ sơ và nhận kết quả”
Chủ doanh nghiệp có thể tự nộp hoặc uỷ quyền cho người khác thực hiện. Có hai cách để nộp hồ sơ:
- Nộp hồ sơ giấy trực tiếp: tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và Đầu tư tại địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
- Nộp hồ sơ điện tử: Truy cập vào “Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp” để nộp hồ sơ (bản scan). Sau khi hồ sơ đã hợp lệ thì chủ doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận một cửa.
- Trường hợp hồ sơ hợp lệ: đơn vị sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Trường hợp hồ sơ không hợp lệ: cơ quan có thẩm quyền sẽ có thông báo bằng văn bản để hướng dẫn doanh nghiệp hiệu chỉnh lại hồ sơ.
2.4 Bước 4 “Khắc mẫu dấu doanh nghiệp”
Sau khi nhận được giấy chứng nhận kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân thực hiện khắc con dấu. Chủ công ty có quyền lựa chọn loại con dấu, hình thức, nội dung và số lượng.
2.5 Bước 5 “Công bố thông tin doanh nghiệp”
Khi đã hoàn thành thủ tục thành lập và có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân phải thực hiện công bố thông tin doanh nghiệp.
Thông tin doanh nghiệp cần công bố là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và ngành nghề kinh doanh. Trong vòng 30 ngày, tính từ thời điểm nhận được giấy chứng nhận, doanh nghiệp phải thực hiện công bố thông tin doanh nghiệp trên “Cổng thông tin quốc gia”. Trường hợp không thực hiện sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định.
Xem thêm: Quy trình thủ tục thành lập doanh nghiệp, công ty mới nhất 2023
3. Thủ tục cần thiết sau khi thành lập doanh nghiệp tư nhân

3.1 Kê khai thuế ban đầu
Tất cả các loại hình doanh nghiệp có nghĩa vụ kê khai thuế ban đầu. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tư nhân phải hoàn thiện các hồ sơ khai thuế để nộp cho Chi cục Thuế tại địa phương đặt trụ sở chính.
3.2 Mở tài khoản và thông báo số tài khoản ngân hàng
Doanh nghiệp được tự do lựa chọn ngân hàng để mở tài khoản. Sau đó, trong thời hạn 10 ngày, từ khi mở tài khoản, chủ doanh nghiệp phải thông báo cho Sở kế hoạch và đầu tư để cơ quan này có thể quản lý và kiểm soát giao dịch.
3.3 Thủ tục phát hành hóa đơn
Doanh nghiệp cần hoàn thành thủ tục phát hành hoá đơn, đồng thời có trách nhiệm báo cáo với Chi cục thuế quản lý trực tiếp để hợp pháp các chứng từ hoá đơn.
4. Ưu và nhược điểm của doanh nghiệp tư nhân

4.1 Ưu điểm của công ty tư nhân
Thành lập doanh nghiệp theo loại hình doanh nghiệp tư nhân sẽ tận dụng những ưu điểm sau:
- Chủ doanh nghiệp tư nhân được toàn quyền bán hoặc cho thuê doanh nghiệp của mình cho chủ thể khác.
- Người sở hữu doanh nghiệp nằm toàn bộ quyền lực đối với mọi hoạt động của tổ chức mà không cần thông qua các chủ thể khác.
- Toàn bộ lợi nhuận sau thuế thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp
- Chủ doanh nghiệp được toàn quyền sử dụng phần lợi nhuận sau thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác.
- Cơ cấu tổ chức khá đơn giản.
- Việc chịu trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân tạo nên sự tin cậy cao cho đối tác và khách hàng.
4.2 Nhược điểm của công ty tư nhân
Song song với những lợi thế có được khi thành lập doanh nghiệp tư nhân, loại mô hình doanh nghiệp này cũng có những nhược điểm nhất định. Cụ thể:
- Khó huy động vốn vì không thể phát hành chứng khoán.
- Đồng thời không được là chủ hộ kinh doanh hay thành viên của công ty hợp danh.
- Không được thành lập hoặc mua phần vốn góp/cổ phần của công ty TNHH và công ty cổ phần.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân chịu toàn bộ trách nhiệm với tài sản của công ty và cả tài sản cá nhân. Nếu thuê đối tượng khác quản lý doanh nghiệp thì chủ sở hữu vẫn chịu trách nhiệm vô hạn trước pháp luật khi có phát sinh vấn đề.
Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân đã được AZTAX tổng hợp trong nội dung bài viết trên. Kết nối ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí các câu hỏi về thành lập doanh nghiệp.