Nguyên tắc trả lương là các quy định và nguyên tắc quản lý việc trả tiền lương cho người lao động nhằm bảo vệ quyền lợi của họ. Vậy nguyên tắc trả lương thay đổi như thế nào so với những quy định trước đây? Hãy theo dõi bài viết bên dưới của AZTAX để hiểu rõ hơn nhé!
1. Nguyên tắc trả lương là gì?

Căn cứ Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 số 45/2019/QH14, quy định về nguyên tắc trả lương như sau:
1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
2. Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
Về nguyên tắc thì tiền lương phải được trả đúng hạn, đầy đủ để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Đồng thời, không được ép buộc, can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu của người lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp không thực hiện đúng nguyên tắc này, xuất phát từ nhiều lý do, bao gồm cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan.
Tóm lại, các nguyên tắc này được xây dựng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, giới hạn khả năng lách luật từ phía người sử dụng lao động. Khuyến khích cả 2 bên tuân thủ các thỏa thuận về trả lương mà không vi phạm quy định pháp luật lao động về tiền lương.
Xem thêm: Quy định trả lương cho người nước ngoài
2. Nguyên tắc trả lương thay đổi như thế nào so với quy định trước đây?

Tại Điều 96 Bộ luật Lao động 2012 số 10/2012/QH13 quy định như sau:
Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.
Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.
Theo Điều 94 của Bộ luật Lao động năm 2019 số 45/2019/QH14, đã có những điểm mới và thay đổi đáng kể về nguyên tắc trả lương so với quy định cũ. Cụ thể như sau:
– Bổ sung trường hợp ủy quyền: nếu người lao động không thể nhận lương trực tiếp, họ có thể ủy quyền cho người thứ ba nhận thay.
– Bảo vệ quyền tự quyết chi tiêu: người sử dụng lao động không được hạn chế, can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động.
– Cấm ép buộc việc sử dụng lương: cấm người sử dụng lao động ép buộc người lao động chi tiền lương vào việc mua hàng hóa, dịch vụ của mình hoặc các đơn vị khác được chỉ định.
Những điều khoản bổ sung này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trong việc nhận lương và quản lý tài chính cá nhân. Tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tự quyết định và sử dụng tiền lương một cách độc lập, hợp lý.
Ngoài ra, Khoản 3 Điều 95 Bộ luật Lao động 2019, chưa có ở Bộ luật Lao động 2012 quy định về việc trả lương. Cụ thể, người lao động sẽ được nhận bảng kê trả lương mỗi lần nhận lương. Trong đó ghi rõ số lương, lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm, nội dung và số tiền khấu trừ (nếu có).
Xem thêm: Trả lương cao hơn thang bảng lương
3. Thời hạn trả lương cho người lao động

Doanh nghiệp trả lương vào ngày nào trong tháng? Căn cứ Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 số 45/2019/QH14 quy định về kỳ hạn trả lương. Cụ thể:
1. Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.
2. Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
3. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
4. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Như vậy, khi người lao động và người sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động, phải thống nhất rõ ràng về các vấn đề liên quan đến trả lương. Bao gồm hình thức trả lương, số tiền nhận được ,thời gian trả lương. Những thỏa thuận này sẽ được ghi trong hợp đồng lao động hoặc đã được quy định trước trong chính sách lương của người sử dụng lao động.
Xem thêm: Đi muộn về sớm có lương?
4. Người lao động có thể ủy quyền cho cá nhân khác nhận lương hộ không?

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được ủy quyền cho người khác nhận lương hộ, kể cả việc trả lương qua tài khoản. Tuy nhiên, người được ủy quyền có nhận được tiền lương hay không sẽ phụ thuộc vào 02 yếu tố.
Thứ nhất, việc ủy quyền phải đảm bảo hợp pháp. Thứ hai, phải được người sử dụng lao động đồng ý. Bởi Luật này quy định người sử dụng lao động “có thể trả” cho người được ủy quyền chứ không bắt buộc.
Tóm lại, nguyên tắc trả lương đang ngày càng điều chỉnh và cải tiến để đảm bảo sự bình đẳng, công bằng cho người lao động. Những thay đổi này nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động trong việc nhận lương và quản lý tài chính cá nhân. Hãy theo dõi AZTAX để cập nhật những thông tin mới nhất nhé!
![]() |
CÔNG TY AZTAX CUNG CẤP GIẢI PHÁP DOANH NGHIỆP TOÀN DIỆN |
Fanpage: AZTAX - Giải pháp kế toán thuế |
Email: cs@aztax.com.vn |
Hotline: 0932.383.089 |
#AZTAX - Giải pháp tổng thể cho doanh nghiệp |