Lập thang, bảng lương công ty cổ phần là một bước quan trọng giúp doanh nghiệp đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong việc quản lý nhân sự. Thông qua việc xây dựng hệ thống lương, doanh nghiệp không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình trả lương mà còn tuân thủ đúng quy định pháp luật. Trong bài viết này, AZTAX sẽ hướng dẫn giúp bạn cách lập thang, bảng lương công ty cổ phần mới nhất 2024, mời các bạn cùng theo dõi nhé!
1. Thang, bảng lương là gì?
Thang lương (hay thang bảng lương) là hệ thống xây dựng từ ngạch lương, nhóm lương, bậc lương để làm cơ sở trả lương cho người lao động. Từ thang bảng lương, người quản lý sẽ dễ dàng phân loại được từng nhóm và năng lực của từng lao động doanh nghiệp của mình.
Xem thêm: Cách xây dựng thang bảng lương
2. Vì sao cần phải lập thang, bảng lương công ty cổ phần?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 93 của Bộ luật Lao động 2019, thang và bảng lương được xem là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng lao động và thỏa thuận về mức lương với người lao động.
Việc xây dựng thang, bảng lương không chỉ giúp công ty đảm bảo tính minh bạch và chuyên nghiệp trong hoạt động nội bộ, mà còn tạo động lực cho người lao động phấn đấu để đạt được mức lương tốt hơn. Đồng thời, việc này cũng hỗ trợ doanh nghiệp quản lý chi phí lương một cách khoa học và hiệu quả, tối ưu hóa ngân sách và đảm bảo sự công bằng trong trả lương.
Xem thêm: Thang bảng lương là gì?
Xem thêm: Trả lương cao Hơn thang bảng lương có vi phạm quy định không?
3. Công ty có phải làm thủ tục thông báo khi lập thang, bảng lương không?
Trước đây, theo quy định tại Khoản 2 Điều 93 Bộ luật Lao động 2012 và Điều 1 Nghị định 121/2018/NĐ-CP (cả hai đã hết hiệu lực), những doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên bắt buộc phải đăng ký thang, bảng lương với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi công ty hoạt động, đồng thời phải công khai thang, bảng lương tại nơi làm việc.
Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2021, theo quy định mới tại Khoản 3 Điều 93 Bộ luật Lao động 2019, các doanh nghiệp, đặc biệt là công ty cổ phần, không còn cần phải thực hiện thủ tục đăng ký thang, bảng lương này nữa. Thay vào đó, khi xây dựng thang, bảng lương, doanh nghiệp cần phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và công bố rõ ràng cho toàn bộ người lao động trước khi áp dụng.
Xem thêm: Thang bảng lương có cần đăng ký không?
4. Cách lập thang, bảng lương công ty cổ phần mới nhất 2024
Hệ thống thang, bảng lương do doanh nghiệp xây dựng cần kèm theo các tài liệu sau:
- Quyết định ban hành thang, bảng lương: Văn bản này thể hiện quyết định chính thức của doanh nghiệp về việc áp dụng hệ thống thang, bảng lương mới.
- Thang, bảng lương của doanh nghiệp: Đây có thể là bản lập mới hoặc điều chỉnh dựa trên yêu cầu thực tế. Hệ thống lương này cần tuân theo mức lương tối thiểu vùng hiện hành, được quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2022.
- Bảng quy định tiêu chuẩn và điều kiện cho từng chức danh: Tài liệu này cần nêu rõ các yêu cầu về kỹ năng, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, lĩnh vực hoạt động và số năm kinh nghiệm tương ứng với từng vị trí công việc.
- Biên bản lấy ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ sở: Nếu công ty không có công đoàn, ý kiến của toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp cần được thu thập về hệ thống thang, bảng lương để đảm bảo sự đồng thuận và minh bạch.
5. Lưu ý khi xây dựng thang, bảng lương công ty cổ phần
- Mức lương thấp nhất trong thang bảng lương phải đạt mức bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ.
- Hiện nay, theo quy định yêu cầu mức lương của người lao động làm công việc đã qua học nghề hoặc đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng không còn hiệu lực. Vì vậy, các công ty cổ phần không cần phải cộng thêm 7% vào mức lương cho các vị trí này.
- Bộ luật Lao động 2019 không còn yêu cầu về khoảng cách tối thiểu 5% giữa hai bậc lương liền kề. Do đó, các công ty cổ phần có quyền tự xác định khoảng cách giữa các bậc lương sao cho phù hợp với tình hình thực tế của mình.
6. Mức xử lý về vi phạm thang, bảng lương
Hiện nay, mặc dù không cần phải nộp thang bảng lương cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, nhưng nếu vi phạm các quy định sau đây, công ty vẫn có thể bị xử phạt theo Khoản 1 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP:
- Doanh nghiệp không công khai thang lương, bảng lương tại nơi làm việc trước khi áp dụng hoặc không xây dựng thang, bảng lương sẽ bị phạt hành chính lên đến 10 triệu đồng.
- Nếu công ty không tham khảo ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc tập thể người lao động trong quá trình xây dựng thang, bảng lương, mức phạt sẽ dao động từ 5 đến 10 triệu đồng.
Vừa rồi, AZTAX đã chia sẻ về cách lập thang, bảng lương công ty cổ phần. Mong rằng, quý bạn đọc đã có thể nắm được thông tin chi tiết và chính xác nhất! Nếu quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết nhất!
Xem thêm: Mẫu thang bảng lương mới nhất năm 2024
Xem thêm: Quyết định ban hành hệ thống thang bảng lương 2024