Xây dựng thang bảng lương là công việc khá phổ biến được thực hiện hằng năng trong công ty. Vậy thang bảng lương có cần đăng ký không và trường hợp nào cần phải đăng ký thang bảng lương? Mức phạt khi không xây dựng thang, bảng lương là bao nhiêu? AZTAX sẽ làm rõ qua bài viết bên dưới.
1. Thang bảng lương có cần đăng ký không?
Hiện nay, doanh nghiệp bắt buộc phải xây dựng thang bảng lương theo quy định của luật, nhưng không cần đăng ký tại Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.
Căn cứ Điều 93 Bộ Luật Lao động 2019 quy định về xây dựng thang bảng lương như sau:
Điều 93. Xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động
1. Người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.
2. Mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức.
3. Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.
Do đó, Người sử dụng lao động cần thiết phải lập thang lương, bảng lương và định mức lao động để sử dụng làm cơ sở cho việc tuyển dụng và quản lý lao động. Mức lương sẽ được thỏa thuận theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và được trả cho người lao động.
Xem thêm: Cách xây dựng thang bảng lương
Xem thêm: Cách lập thang, bảng lương công ty cổ phần
2. Quy định về thang thang lương, bảng lương
2.1 Quy định về xây dựng thang lương, bảng lương định mức lao động
Bộ luật Lao động 2019 quy định về thang lương, bảng lương và định mức lao động như sau:
- Xây dựng thang lương và bảng lương: Người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương để làm cơ sở tuyển dụng, sử dụng lao động và thỏa thuận mức lương theo hợp đồng lao động.
- Định mức lao động: Định mức lao động phải đảm bảo mức trung bình, cho phép đa số lao động thực hiện công việc mà không cần kéo dài thời gian làm việc. Mức này cần được thử nghiệm trước khi ban hành chính thức.
- Tham khảo ý kiến: Khi xây dựng thang lương, bảng lương, người sử dụng lao động cần tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có).
- Công bố công khai: Thang lương, bảng lương và định mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi áp dụng chính thức.
2.2 Kết cấu thang lương
Trụ dọc: Nhóm lương
Số lượng nhóm lương sẽ nhiều hay ít tùy thuộc vào sự đa dạng trong các chức danh công việc trong tổ chức. Điều này đảm bảo rằng mỗi chức danh đều có mức lương hợp lý và tương xứng với yêu cầu công việc.
Trục ngang: Hệ số lương
Hệ số lương của từng nhóm được xác định dựa trên khả năng chi trả tiền lương của doanh nghiệp cho các chức danh cụ thể.
2.2.1 Xây dựng nhóm lương
Quá trình hình thành nhóm lương thực chất là việc phân loại các công việc theo thứ tự giá trị từ thấp đến cao. Để thực hiện việc này một cách hiệu quả, cần dựa vào mô tả công việc của từng chức danh, sau đó tiến hành đánh giá giá trị công việc và phân loại, từ đó tạo ra các nhóm lương khác nhau.
Ví dụ: Công ty ABC có ba vị trí công việc: Nhân viên bán hàng, Quản lý phòng Marketing và Giám đốc điều hành. Để xây dựng các nhóm lương cho các vị trí này, bạn sẽ thực hiện các bước như sau:
- Mô tả công việc:
- Nhân viên bán hàng: Chịu trách nhiệm tìm kiếm khách hàng mới và duy trì mối quan hệ với khách hàng hiện tại.
- Quản lý phòng Marketing: Lên kế hoạch và triển khai các chiến dịch marketing, đồng thời quản lý nhóm nhân viên trong phòng.
- Giám đốc điều hành: Quản lý toàn bộ hoạt động của công ty, đưa ra các quyết định chiến lược và giám sát toàn bộ nhân viên.
- Chấm điểm dựa trên giá trị công việc:
- Nhân viên bán hàng: 60 điểm
- Quản lý phòng Marketing: 80 điểm
- Giám đốc điều hành: 100 điểm
- Xếp hạng và phân loại:
- Nhóm lương thấp: Nhân viên bán hàng (60 điểm)
- Nhóm lương trung bình: Quản lý phòng Marketing (80 điểm)
- Nhóm lương cao: Giám đốc điều hành (100 điểm)
2.2.2 Xây dựng hệ số lương
Hệ số lương và mức lương cụ thể phụ thuộc vào một số yếu tố sau đây:
- Biên độ lương: Đây là khả năng chi trả của doanh nghiệp cho từng nhóm lương, sao cho phù hợp với tình hình thị trường lao động và chiến lược phát triển của công ty.
- Mức lương thực tế: Phải được xác định theo nguyên tắc từ thấp đến cao, đảm bảo tính hợp lý và công bằng.
- Tăng trưởng hệ số lương: Mức tăng khuyến nghị nên không dưới 5% và không vượt quá 20%. Nếu tăng lương dưới 5%, có thể không kích thích được động lực làm việc của nhân viên. Ngược lại, việc tăng hệ số lương quá 20% có thể dẫn đến việc đạt trần lương nhanh chóng.
- Vòng đời của nghề nghiệp: Quy trình phát triển nghề nghiệp diễn ra theo từng giai đoạn: bắt đầu, học hỏi, thành thạo và trở thành chuyên gia. Những lao động có trình độ thấp thường có nhiều hệ số lương hơn.
- Độ chồng chéo giữa các nhóm lương: Hệ số đầu tiên của một nhóm có thể tương đương với hệ số thứ ba của một nhóm khác dưới.
- Tỷ lệ lạm phát: Dựa vào tỷ lệ lạm phát do nhà nước công bố, doanh nghiệp có thể điều chỉnh thang lương để đảm bảo rằng thu nhập và đời sống của người lao động được duy trì.
Ví dụ: Trong trường hợp của công ty, nếu nhóm lương dành cho Giám đốc điều hành có hệ số lương là 2.0, thì các vị trí cấp thấp hơn như Quản lý phòng Marketing và Nhân viên bán hàng có thể có hệ số lần lượt là 1.5 và 1.0.
Nếu mức lương thực tế cho Nhân viên bán hàng là 10 triệu đồng, mức tăng lương cho năm tiếp theo có thể là 5% (tăng lên 10,5 triệu đồng), trong khi Quản lý phòng Marketing với hệ số 1.5 có thể nhận được mức lương là 15 triệu đồng với cùng tỷ lệ tăng.
Điều này đảm bảo tính hợp lý và công bằng trong việc xác định mức lương cho các vị trí khác nhau trong công ty.
Xem thêm: Thang bảng lương là gì?
Xem thêm: Trả lương cao Hơn thang bảng lương có vi phạm quy định không?
3. Thời hạn xây dựng thang, bảng lương
Theo Điều 93 Bộ luật Lao động 2019, doanh nghiệp phải có trách nhiệm xây dựng thang, bảng lương, quá trình xây dựng phải được tiến hành nhanh chóng. Đồng thời, quyết định ban hành hệ thống thang bảng lương phải bổ biến đến người lao động trước khi áp dụng vào thực tế. Cụ thể:
1. Người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động. […]
3. Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.
Thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.
Như vậy, quá trình xây dựng thang bảng lương được thực thực hiện ngay khi doanh nghiệp mới thành lập. Điều này giúp người lao động tiếp cận được các thông tin liên quan đến quyền lợi và chế độ mà họ được hưởng. Và khi có sự thay đổi về mức lương, doanh nghiệp phải xây dựng lại thang bảng lương, người lao động cũng cần phải biết đến sự thay đổi này.
4. Mức xử phạt liên quan đến thang bảng lương
Theo quy định tại Nghị định 12/2022 NĐ-CP, người sử dụng lao động có thể bị phạt từ 5.000.000 VND đến 10.000.000 VND nếu thực hiện một trong những hành vi sau đây:
- Không công khai thang lương, bảng lương, mức lao động, và quy chế thưởng tại nơi làm việc trước khi áp dụng
- Không thiết lập thang lương, bảng lương hoặc không xây dựng định mức lao động; không tiến hành thử nghiệm mức lao động trước khi chính thức ban hành
- Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở nơi có tổ chức đại diện khi xây dựng thang lương, bảng lương; định mức lao động; hoặc quy chế thưởng
- Không thông báo bảng kê lương cho người lao động hoặc thông báo không đúng theo quy định
- Không đảm bảo trả lương công bằng hoặc có sự phân biệt giới tính đối với những lao động thực hiện công việc có giá trị tương đương
Ngoài ra, Nghị định này quy định rằng mức phạt đối với tổ chức sẽ gấp đôi mức phạt đối với cá nhân.
Do đó, nếu doanh nghiệp sẽ bị phạt từ 10.000.000 VND đến 20.000.000 VND thực hiện bất kỳ hành vi nào sau đây liên quan đến thang bảng lương dưới đây:
- Không công khai thang lương và bảng lương tại nơi làm việc trước khi áp dụng
- Không xây dựng thang lương và bảng lương
- Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trong quá trình xây dựng thang lương và bảng lương
Xem thêm: Quyết định ban hành hệ thống thang bảng lương 2024
5. Lưu ý về mức lương tối thiểu khi xây dựng thang bảng lương
Pháp luật không giới hạn số bậc lương tối đa, nhưng yêu cầu tối thiểu là phải có ít nhất 2 bậc. Người lao động đủ điều kiện sẽ được tăng bậc lương, và hiện nay, nhiều doanh nghiệp thường xây dựng từ 5 đến 15 bậc.
Mức lương ở bậc 1 không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, và lương ở mỗi bậc phải tương ứng với công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động, đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu quy định trong Bộ luật Lao động.
Dựa trên Điều 3 của Nghị định 74/2024/NĐ-CP, mức lương tối thiểu hiện đang áp dụng theo từng vùng như sau:
Vùng | Mức lương tối thiểu tháng (VND/Tháng) | Mức lương tối thiểu giờ (VND/Giờ) |
Vùng 1 | 4.960.000 | 23.800 |
Vùng 2 | 4.410.000 | 21.200 |
Vùng 3 | 3.860.000 | 18.600 |
Vùng 4 | 3.450.000 | 16.600 |
Nghị định 74/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ 01/07/2024) bỏ quy định yêu cầu người lao động có bằng cấp hoặc đào tạo nghề phải nhận lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng, trừ khi có thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Doanh nghiệp có quyền tự quyết định khoảng cách giữa các bậc lương tùy thuộc vào tình hình kinh tế, thay vì khoảng cách tối thiểu 5% giữa hai bậc như quy định trong Nghị định 49/2013/NĐ-CP (đã hết hiệu lực từ 01/02/2021).
Như vậy, AZTAX đã làm rõ về vấn đề thang bảng lương có cần đăng ký không và đăng ký trong các trường hợp nào. Hy vọng bài viết trên sẽ mang lại những thông tin bổ ích cho doanh nghiệp. Hãy theo dõi AZTAX để câp nhật thông tin mới nhanh nhất nhé!
6. Các câu hỏi thường gặp?
6.1 Doanh nghiệp dưới 10 người có phải đăng ký thang bảng lương không?
Theo Điều 1 của Nghị định 121/2018/NĐ-CP, các doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động được miễn thủ tục gửi thang lương, bảng lương và định mức lao động cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện tại địa phương mà cơ sở sản xuất, kinh doanh của họ đặt tại.
6.2 Quy chế tài chính bắt buôc có thang bảng lương không?
Pháp luật hiện hành không bắt buộc quy chế tài chính phải có thang bảng lương, do đó, doanh nghiệp không cần thiết phải xây dựng nó. Tuy nhiên, vì lương là một phần quan trọng trong quản lý tài chính và kế toán, doanh nghiệp nên đưa các quy định liên quan đến tiền lương vào quy chế tài chính để quản lý hiệu quả hơn.
Xem thêm: Mẫu thang bảng lương mới nhất năm 2024