Do nhu cầu kinh doanh nên các doanh nghiệp có thể muốn chuyển đổi từ công ty từ TNHH sang cổ phần. Vậy điều kiện cần để chuyển đổi từ công ty TNHH sang cổ phần bao gồm những gì? Chi phí chuyển đổi ra sao? Hãy cùng AZTAX tìm hiểu thông tin trong bài viết dưới đây nhé!

1. Điều kiện cần để chuyển đổi từ công ty TNHH sang cổ phần

Hiện nay, chuyển đổi loại hình là một hình thức tổ chức lại cơ cấu sao cho phù hợp với quy mô cũng như định hướng phát triển của công ty. Có thể hiểu theo cách khác, chuyển đổi là việc doanh nghiệp sẽ hoạt động dưới dạng một loại hình doanh nghiệp khác.
Thông thường, doanh nghiệp khi chuyển đổi sẽ kế thừa toàn bộ lợi ích hợp pháp cũng như chịu trách nhiệm về khoản nợ và các nghĩa vụ khác của doanh nghiệp khi được chuyển đổi. Tuy nhiên, các thủ tục liên quan tới chuyển đổi đều được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp.
Điều kiện cần để chuyển đổi từ công ty TNHH sang cổ phần cụ thể như sau:
- Mã số thuế và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Trường hợp nếu là công ty TNHH hai thành viên trở lên thì cần sự phải có sự đồng ý của Hội đồng thành viên trong công ty, còn nếu là công ty TNHH một thành viên thì cần có sự đồng ý của chủ sở hữu công ty.
- Giấy tờ pháp lý của người đại diện pháp luật của công ty mới hoặc các cổ đông.
- Đầy đủ hồ sơ về việc chuyển đổi từ công ty TNHH sang cổ phần.
2. Hồ sơ đăng ký chuyển đổi công ty TNHH sang cổ phần

Thông thường, hồ sơ đăng ký kinh doanh là tập hợp các tài liệu và giấy tờ cần thiết để thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Đây là điều kiện mang tính bắt buộc phải có để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Căn cứ vào Điều 26 Khoản 4 Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã quy định hồ sơ đăng ký chuyển đổi từ công ty TNHH sang cổ phần như sau:
“4. Trường hợp chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần và ngược lại, hồ sơ đăng ký chuyển đổi bao gồm các giấy tờ quy định tại Điều 23 và Điều 24 Nghị định này, trong đó không bao gồm Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư quy định tại điểm c khoản 4 Điều 23 và điểm c khoản 3 Điều 24 Nghị định này. Kèm theo hồ sơ phải có các giấy tờ sau đây:
a) Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc nghị quyết và bản sao biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc chuyển đổi công ty;
b) Hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng trong trường hợp chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp; Hợp đồng tặng cho trong trường hợp tặng cho cổ phần, phần vốn góp; Bản sao văn bản xác nhận quyền thừa kế hợp pháp của người thừa kế trong trường hợp thừa kế theo quy định của pháp luật;”
Dựa theo luật như trên thì hồ sơ để đăng ký gồm có điều lệ công ty, giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, danh sách thành viên, danh sách cổ đông sáng lập, bản sao các giấy tờ như giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật và thành viên công ty.
Ngoài ra, còn có hồ sơ về Nghị quyết của chủ sở hữu công ty đối với Công ty TNHH, các hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng trong việc chuyển nhượng cổ phần và giấy tờ xác nhận việc góp vốn của thành viên.
Hồ sơ còn có văn bản của cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài hay các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với việc thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn và mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.
3. Cách chuyển đổi từ công ty TNHH sang cổ phần

Căn cứ vào Điều 202 Khoản 2 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 đã nêu rõ cách chuyển đổi từ công ty TNHH sang cổ phần như sau:
“2. Công ty trách nhiệm hữu hạn có thể chuyển đổi thành công ty cổ phần theo phương thức sau đây:
a) Chuyển đổi thành công ty cổ phần mà không huy động thêm tổ chức, cá nhân khác cùng góp vốn, không bán phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân khác;
b) Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;
c) Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách bán toàn bộ hoặc một phần phần vốn góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác;
d) Kết hợp phương thức quy định tại các điểm a, b và c khoản này và các phương thức khác.”
Đối với trường hợp chuyển đổi thành công ty cổ phần mà không huy động thêm vốn thì có thể hiểu là không có sự thay đổi về vốn hay chủ sở hữu. Vì như vậy nghĩa là nó chỉ thực hiện thay đổi duy nhất một yếu tố là loại hình của công ty.
Đối với trường hợp chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách huy động vốn thì có thể hiểu là ngoài thay đổi loại hình hoạt động, còn có sự thay đổi về chủ sở hữu của công ty. Vì thế, đó là những tổ chức hoặc cá nhân góp thêm vốn vào và tăng vốn điều lệ lên.
Ngoài ra, các công ty chuyển đổi từ TNHH sang cổ phần đương nhiên sẽ kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp đồng thời sẽ chịu trách nhiệm về các khoản nợ. Bao gồm cả hợp đồng lao động, nợ thuế và các nghĩa vụ khác của công ty khi được chuyển đổi.
Lưu ý: Mỗi phương thức chuyển đổi từ công ty TNHH sang cổ phần sẽ có những đặc thù, tính chất riêng. Vì thế, chủ doanh nghiệp hãy xem xét thật kỹ, sau đó lựa chọn phương thức tối ưu nhất dành cho doanh nghiệp của mình để tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc.
4. Địa điểm nộp hồ sơ đăng ký chuyển đổi

Căn cứ Điều 32 Khoản 1,2,3 Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã nêu rõ địa điểm nộp hồ sơ đăng ký chuyển đổi từ công ty TNHH sang cổ phần như sau:
“1. Người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
2. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được tiếp nhận để nhập thông tin vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có đủ giấy tờ theo quy định tại Nghị định này;
b) Tên doanh nghiệp đã được điền vào Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Giấy đề nghị đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;
c) Có địa chỉ liên lạc của người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp;
d) Đã nộp đủ phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định.
3. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.”
Sau khi trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ thì Phòng Đăng ký kinh doanh nhập đầy đủ thông tin trong hồ sơ Đăng ký doanh nghiệp. Sau đó, họ sẽ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, tải các văn bản đã được số hóa trong hồ sơ vào Hệ thống thông tin quốc gia.
Các chủ sở hữu doanh nghiệp có thể dừng thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, khi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp chưa được chấp thuận ở trên Hệ thống thông tin quốc gia về việc đăng ký doanh nghiệp trước đó.
Nếu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp chưa được chấp thuận thì người có thẩm quyền ký văn bản sẽ gửi văn bản đề nghị dừng thực hiện các thủ tục đăng ký doanh nghiệp đến Phòng đăng ký kinh doanh – nơi đã nộp hồ sơ trước đó.
Thông thường, phòng Đăng ký kinh doanh sẽ xem xét và thực hiện ra thông báo về việc dừng thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện hủy hồ sơ đăng ký trên Hệ thống thông tin quốc gia trong thời hạn 03 ngày làm việc.
5. Chi phí khi chuyển đổi là bao nhiêu?

Chi phí chuyển đổi từ công ty TNHH sang cổ phần là chi phí mà khách hàng, người tiêu dùng phải chi trả khi họ muốn thay đổi loại hình doanh nghiệp này sang loại hình doanh nghiệp khác.
Thông thường, để thực hiện thủ tục chuyển đổi công ty TNHH sang cổ phần thì bạn cần nộp một số khoản lệ phí cố định cho nhà nước bao gồm như lệ phí nộp hồ sơ (khoảng 200.000 VNĐ), phí khắc lại dấu (450.000 VNĐ), phí công bố mẫu dấu (300.000 VNĐ).
Để tiết kiệm tối đa thời gian, công sức cũng như giảm thiểu tối đa các sai sót khi thực hiện chuyển đổi thì bạn nên tìm hiểu thông tin những dịch vụ uy tín để có thể thực hiện chuyển đổi một cách nhanh chóng và tiết kiệm nhất.
Lưu ý: Tránh lựa chọn những trường hợp mạo danh, giá rẻ, kém chất lượng làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi công ty của bạn. Hãy cân nhắc, xem xét thật kỹ để lựa chọn cách tối ưu nhất nhé!
6. Thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký chuyển đổi

Thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký chuyển đổi từ công ty TNHH sang cổ phần là khoảng thời gian mà cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét các thông tin về doanh nghiệp của bạn có đáp ứng đủ các điều kiện theo pháp luật khi muốn đăng ký chuyển đổi hay không.
Căn cứ vào Điều 202 Khoản 3 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 đã nêu rõ thời gian giải quyết hồ sơ chuyển đổi từ Công ty TNHH sang cổ phần như sau:
“3. Công ty phải đăng ký chuyển đổi công ty với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ chuyển đổi, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và cập nhật tình trạng pháp lý của công ty trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.”
Dựa vào đó, trong thời gian 03 ngày làm việc (tính từ ngày nhận hồ sơ chuyển đổi) thì cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau đó, sẽ cập nhật tình trạng pháp lý của công ty, trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
7. Lưu ý khi chuyển đổi Công ty TNHH sang Công ty cổ phần

Việc chuyển đổi công ty TNHH sang cổ phần nếu không thực hiện đúng quy trình thì sẽ tốn rất nhiều thời gian cũng như chi phí cho doanh nghiệp của bạn. Sau đây là 5 lưu ý cơ bản khi chuyển đổi công ty TNHH sang cổ phần.
- Tìm hiểu kỹ các điều kiện cần để chuyển đổi bao gồm như mã số thuế, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy tờ pháp lý, sự đồng ý của Hội đồng thành viên…
- Xem xét các thông tin về hồ sơ cần thiết khi đăng ký chuyển đổi doanh nghiệp như điều lệ công ty, giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, bản sao các giấy tờ cần, danh sách các thành viên chuyển đổi, các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển đổi.
- Tiến hành tìm hiểu các phương thức phổ biến khi chuyển đổi như chuyển đổi mà không huy động thêm vốn và có huy động thêm vốn của cá nhân, tổ chức đầu tư.
- Xem các thông tin về địa điểm nộp hồ sơ chuyển đổi, thời gian giải quyết hồ sơ chuyển đổi và các chi phí doanh nghiệp bắt buộc phải chi trả khi chuyển đổi.
- Hãy tìm hiểu một số dịch vụ về việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp uy tín, giá rẻ để có thể chuyển đổi từ công ty TNHH sang cổ phần nhanh chóng nhất.
8. Một số câu hỏi xoay quanh việc chuyển đổi
8.1 Lợi thế từ việc chuyển đổi từ công ty TNHH sang cổ phần là gì?

Mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có những đặc thù, tính chất và quy mô hoạt động riêng của từng doanh nghiệp. Dưới đây, là bảng thống kê những lợi thế nổi bật khi thực hiện chuyển đổi từ công ty TNHH sang cổ phần.
Tiêu chí |
Công ty cổ phần | Công ty TNHH 2 thành viên |
Công ty TNHH 1 thành viên |
Số lượng thành viên | Số lượng thành viên tối thiểu là 3 người, không hạn chế số lượng tối đa. | Số lượng thành viên cho phép từ 2 đến 50 người, đây là tổ chức hoặc cá nhân. | Số lượng thành viên là một tổ chức/một cá nhân làm chủ sở hữu. |
Chịu trách nhiệm trong công ty | Cổ đông chịu trách nhiệm về các khoản nợ cũng như nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp trước đó. | Các thành viên phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ cũng như nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp trước đó. | Tổ chức, cá nhân sẽ chịu trách nhiệm về các khoản nợ cũng như nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ đã góp. |
Vốn điều lệ | Vốn điều lệ được chia thành các phần bằng nhau trong công ty. | Được tính theo tỷ lệ % vốn đã góp vào công ty. | Vốn điều lệ chủ sở hữu công ty góp vốn vào công ty. |
Thực hiện phát hành cổ phần | Pháp luật cho phép công ty có quyền được phát hành cổ phần. | Pháp luật không cho phép công ty phát hành cổ phần. | Pháp luật không cho phép công ty phát hành cổ phần. |
Các cơ cấu tổ chức | Doanh nghiệp có thể chọn 1 trong 2 mô hình sau.
Mô hình 1: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc/Tổng giám đốc. Mô hình 2: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc/Tổng giám đốc. |
Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Giám đốc/Tổng giám đốc. | Doanh nghiệp do cá nhân làm chủ sở hữu thì chọn 1 trong 2 mô hình sau:
Mô hình 1: Chủ tịch công ty và Giám đốc/Tổng giám đốc. Mô hình 2: Hội đồng thành viên và Giám đốc/Tổng giám đốc. |
Chuyển nhượng vốn | Chuyển nhượng vốn trong thời hạn 03 năm (từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp). Ngoài ra, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác. Tuy nhiên, chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập (nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông). | Bắt buộc phải có điều kiện và ưu tiên chuyển nhượng cho thành viên trong công ty. | Vấn đề chuyển nhượng vốn thì chủ sở hữu tự mình quyết định về việc huy động vốn của công ty. |
Lưu ý: Các chủ sở hữu doanh nghiệp phải cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định thay đổi loại hình doanh nghiệp. Bởi khi quyết định chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì quy mô, hướng phát triển của công ty sẽ hoàn toàn khác so với loại hình kinh doanh cũ.
8.2 Người đại diện sau khi chuyển đổi là ai?

Căn cứ vào Điều 50 Khoản 2 Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã nêu rõ việc đăng ký thay đổi người đại diện của công ty TNHH, công ty cổ phần khi muốn thực hiện chuyển đổi từ công ty TNHH sang cổ phần như sau:
“2. Người ký thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật là một trong các cá nhân sau đây:
a) Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
b) Chủ tịch Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật thì người ký thông báo là Chủ tịch Hội đồng thành viên mới được Hội đồng thành viên bầu;
c) Chủ tịch Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật thì người ký thông báo là Chủ tịch Hội đồng quản trị mới được Hội đồng quản trị bầu;”
Nếu Chủ tịch Hội đồng quản trị hay Chủ tịch Hội đồng thành viên vắng mặt hoặc không thể thực hiện các quyền cũng như nghĩa vụ của mình thì người ký thông báo thay đổi là người được Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên ủy quyền.
Nếu không có thành viên nào được ủy quyền hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên nằm trong các trường hợp như mất tích, phạt tù, trốn khỏi nơi cư trú… thì người ký thông báo thay đổi là người được bầu tạm thời làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
8.3 Có cần khắc lại con dấu không?

Khi muốn chuyển đổi từ công ty TNHH sang cổ phần thì bắt buộc phải khắc lại con dấu. Tuy nhiên, con dấu của công ty cũng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật đề ra. Căn cứ vào Điều 43 Khoản 1,2 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 đã nêu rõ như sau:
“1. Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
2. Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.”
Việc lưu giữ dấu phải thực hiện theo quy định của quy chế do doanh nghiệp, văn phòng đại diện, chi nhánh hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật đã ban hành.
Thực tế trên con dấu của công ty thường thể hiện 3 nội dung chính như tên công ty, địa chỉ, mã số thuế của công ty. Ngoài ra, pháp luật có quy định về việc đặt tên như sau: Loại hình doanh nghiệp + Tên riêng.
Ta có thể thấy rằng tên của công ty bắt buộc phải có loại hình công ty kèm theo. Do đó, khi tiến hành chuyển đổi thì đương nhiên tên công ty sẽ thay đổi. Vì vậy, trên dấu có tên công ty trước đó thì bắt buộc phải tiến hành thay đổi con dấu của công ty.
8.4 Có cần cập nhật lại thông tin về tên địa điểm kinh doanh khi chuyển đổi không?

Đối với các trường hợp như công ty tiến hành thay đổi địa chỉ công ty hay các nội dung khác, mà thông tin đó được khắc trên con dấu thì bắt buộc công ty phải tiến hành khắc lại con dấu mới để phù hợp với loại hình chuyển đổi.
Hơn nữa, tên công ty bắt buộc phải có loại hình công ty kèm theo. Chính vì vậy, khi thực hiện chuyển đổi từ công ty TNHH sang cổ phần thì tên công ty cũng như địa điểm kinh doanh sẽ phải thay đổi. Lúc này, các doanh nghiệp phải cập nhật lại thông tin của mình.
Lưu ý: Việc tiến hành cập nhật lại thông tin về tên địa điểm kinh doanh sau khi chuyển đổi thì phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật ban hành. Nếu doanh nghiệp nào làm trái theo quy định thì sẽ bị pháp luật xử phạt nghiêm ngặt.
8.5 Có được thay đổi nội dung đăng ký công ty khi chuyển đổi không?

Thông thường, khi công ty tiến hành thủ tục chuyển đổi từ công ty TNHH sang cổ phần không thể tránh những sai sót như muốn thay đổi một số nội dung ngành nghề, kế toán… Với các trường hợp này thì pháp luật cho phép công ty có quyền thay đổi nội dung đăng ký.
Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà pháp luật sẽ có các hướng xử lý khác nhau. Thông thường, pháp luật sẽ tạo điều kiện để thay đổi nội dung trong khoảng thời gian nhất định, nếu công ty không chấp hành đúng theo thời gian đó thì sẽ không được phép thay đổi.
Lưu ý: Đối với trường hợp công ty đăng ký chuyển đổi loại hình hoạt động và đồng thời đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật, thì người ký hồ sơ là Chủ tịch Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH và Chủ tịch Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần.
Trên đây là tổng hợp các thông tin bổ ích về việc chuyển đổi công ty TNHH sang cổ phần mà AZTAX muốn gửi đến bạn. Hy vọng là những thông tin này sẽ giúp ích thật nhiều trong quá trình chuyển đổi loại hình kinh doanh của bạn. Chúc các bạn thành công!
Nếu có thắc mắc gì hãy theo dõi các bài viết khác của AZTAX hoặc liên hệ trực tiếp đến chúng tôi để được giải đáp nhanh chóng nhất nhé! Cảm ơn các bạn rất nhiều!
![]() |
CÔNG TY AZTAX CUNG CẤP GIẢI PHÁP DOANH NGHIỆP TOÀN DIỆN |
Fanpage: AZTAX - Giải pháp kế toán thuế |
Email: cs@aztax.com.vn |
Hotline: 0932.383.089 |
#AZTAX - Giải pháp tổng thể cho doanh nghiệp |