Giấy phép kinh doanh vàng miếng là một văn bản pháp lý cần thiết đối với các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực mua bán và chế biến vàng. Để được cấp Giấy phép kinh doanh vàng miếng, doanh nghiệp cần phải có hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Trong bài viết này AZTAX sẽ hướng dẫn bạn những điều kiện và thủ tục cần để cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng. Cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!
1. Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng
Kinh doanh vàng miếng là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cần phải đáp ứng các điều kiện pháp lý nghiêm ngặt để được cấp giấy phép. Những quy định này nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường và hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng. Để có thể tham gia vào hoạt động kinh doanh vàng miếng một cách hợp pháp thì doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cần đáp những điều kiện cụ thể dưới đây:
1.1 Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng đối với các doanh nghiệp
Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Nghị định 24/2012/NĐ-CP, quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng:
Điều 11. Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng
1. Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
b) Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên.
c) Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 (hai) năm trở lên.
d) Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 (năm trăm) triệu đồng/năm trở lên trong 2 (hai) năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế).
đ) Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 (ba) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Như vậy để được cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
- Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên
- Có ít nhất 2 năm kinh nghiệm kinh doanh vàng
- Nộp thuế tối thiểu 500 triệu đồng/năm trong 2 năm liên tiếp
- Có chi nhánh tại ít nhất 3 tỉnh, thành phố.
1.2 Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng đối với các tổ chức tín dụng
Theo khoản 2 Điều 11 Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, quy định như sau:
Điều 11. Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng
…
2. Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Có vốn điều lệ từ 3.000 (ba nghìn) tỷ đồng trở lên.
b) Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng.
c) Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 (năm) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Vậy các tổ chức tín dụng muốn tham gia vào hoạt động kinh doanh vàng miếng cần phải thỏa mãn đầy đủ 03 điều kiện sau:
- Có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên
- Đăng ký kinh doanh vàng
- Có mạng lưới chi nhánh tại ít nhất 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng cho doanh nghiệp bao gồm các thành phần sau: Đơn xin cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng, danh sách các địa điểm dự kiến đăng ký làm địa điểm kinh doanh vàng miếng.
2.1 Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng cho doanh nghiệp
Theo khoản 2 Điều 1 của Thông tư 03/2017/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 16/2012/TT-NHNN) hướng dẫn Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, hồ sơ yêu cầu cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng cho doanh nghiệp bao gồm:
- Đơn xin cấp Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng (theo mẫu tại Phụ lục 2 Thông tư 03/2017/TT-NHNN).
- Danh sách các địa điểm dự kiến kinh doanh vàng miếng (bao gồm trụ sở chính, chi nhánh, các điểm kinh doanh).
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, kèm theo văn bản xác nhận các địa điểm kinh doanh vàng miếng đã được đăng ký hoặc thông báo tới cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định.
- Xác nhận từ cơ quan thuế về số thuế đã nộp từ hoạt động kinh doanh vàng trong hai năm gần nhất.
2.2 Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng cho các tổ chức tín dụng
Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư 03/2017/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 16/2012/TT-NHNN) hướng dẫn thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, hồ sơ yêu cầu cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng cho các tổ chức tín dụng bao gồm:
- Đơn xin cấp Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng (mẫu tại Phụ lục 2 Thông tư 03/2017/TT-NHNN).
- Danh sách các địa điểm dự kiến kinh doanh vàng miếng (bao gồm trụ sở chính, chi nhánh, và các điểm kinh doanh).
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, cùng văn bản xác nhận các địa điểm kinh doanh vàng miếng đã được đăng ký hoặc thông báo với cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
- Giấy xác nhận của cơ quan thuế về số thuế đã nộp từ hoạt động kinh doanh vàng trong hai năm liền trước.
3. Thủ tục đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng 2024
Theo quy định tại Phần II Thủ tục ban hành kèm theo Quyết định 1529/QĐ-NHNN năm 2017 công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền giải quyết, thủ tục cấp giấy phép như sau:
3.1 Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng đối với doanh nghiệp
- Bước 1: Doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký lên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cụ thể là Vụ Quản lý Ngoại hối.
- Bước 2: Khi đã tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ thông báo để Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đăng ký kiểm tra các giấy tờ pháp lý về quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng địa điểm kinh doanh, cùng với trang thiết bị cần thiết cho hoạt động mua bán vàng miếng tại địa điểm đăng ký.
- Bước 3: Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ khi nhận thông báo, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại địa phương sẽ báo cáo kết quả kiểm tra lại cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý Ngoại hối).
- Bước 4: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau đó xem xét và đưa ra quyết định cấp Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng.
3.2 Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng đối với tổ chức tín dụng
- Bước 1: Tổ chức tín dụng chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký lên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cụ thể là Vụ Quản lý Ngoại hối.
- Bước 2: Sau khi tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại địa phương thực hiện kiểm tra các trang thiết bị cần thiết cho hoạt động mua bán vàng miếng tại địa điểm kinh doanh đã đăng ký.
- Bước 3: Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại địa phương sẽ gửi báo cáo kết quả kiểm tra lại cho Vụ Quản lý Ngoại hối.
- Bước 4: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành xem xét và quyết định cấp Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng.
Cách thức nộp hồ sơ:
- Nộp trực tiếp tại Vụ Quản lý Ngoại hối thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Hoặc gửi qua đường bưu điện.
4. Trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kinh doanh vàng miếng
Theo Điều 12 của Nghị định 24/2012/NĐ-CP, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng kinh doanh mua bán vàng miếng có trách nhiệm:
- Chỉ mua, bán các loại vàng miếng có ký mã hiệu, khối lượng, chất lượng và nhãn của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất theo từng thời kỳ.
- Không được kinh doanh vàng miếng qua các đại lý ủy quyền.
- Tuân thủ quy định pháp luật về kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ.
- Công khai niêm yết giá mua và bán vàng miếng tại điểm giao dịch.
- Đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh với các biện pháp và trang thiết bị phù hợp.
- Thực hiện đầy đủ các quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật liên quan khác.
5. Mức phạt hành chính khi mua bán vàng miếng với tổ chức không có giấy phép là bao nhiêu?
Mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng thì bị xử phạt vi phạm hành chính từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng, đồng thời sẽ tịch thu số vàng đối với hành vi vi phạm.
Theo Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, hành vi mua bán vàng miếng với tổ chức không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng sẽ bị xử phạt như sau:
- Phạt cảnh cáo: Đối với việc mua bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
- Phạt tiền:: Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mua bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh, nếu vi phạm xảy ra trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần.
- Phạt tiền: Từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với các hành vi kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng
Như vậy, mức phạt cho hành vi mua bán vàng miếng không có giấy phép bao gồm:
- Cảnh cáo hoặc phạt 10-20 triệu đồng cho việc mua bán với tổ chức không có giấy phép.
- Phạt 300-400 triệu đồng đối với việc kinh doanh vàng miếng mà không có giấy phép.
6. Dịch vụ tư vấn giấy phép kinh doanh vàng miếng tại AZTAX
Để thực hiện hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng, chủ thể kinh doanh bắt buộc phải có giấy phép kinh doanh. Quý khách hàng có thể liên hệ với AZTAX để nhận tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực này.
Dưới đây là một vài lý do tại sao nên chọn dịch vụ đăng ký giấy phép kinh doanh tại AZTAX:
- Tư vấn miễn phí thông tin pháp lý: Tư vấn miễn phí về các thủ tục pháp lý trước và sau khi khách hàng đăng ký kinh doanh.
- Chi phí hợp lý và trọn gói: Chi phí đăng ký kinh doanh hợp lý, đảm bảo trọn gói, không có chi phí phát sinh bất ngờ.
- Hồ sơ đơn giản và dễ dàng: Quy trình cung cấp hồ sơ đơn giản, thuận tiện cho khách hàng.
- Giao nhận tận nhà miễn phí: Khách hàng không cần phải di chuyển, AZTAX sẽ giao giấy phép kinh doanh tận nhà mà không tính phí.
- Hợp đồng cam kết trách nhiệm: Cam kết đảm bảo trách nhiệm và lợi ích cho khách hàng thông qua hợp đồng chặt chẽ.
- Đa dạng dịch vụ pháp lý và kế toán: Cung cấp đầy đủ dịch vụ pháp lý và kế toán, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng một cách chuyên nghiệp.
Trên đây là những thông tin về giấy phép kinh doanh vàng miếng mà AZTAX đã tổng hợp được. Hy vọng bài viết mang lại thông tin cần thiết để bạn thực hiện thành công việc xin cấp giấy phép. Mọi thắc mắc hãy liên hệ ngay đến AZTAX qua HOTLINE: 0932 383 089.
7. Câu hỏi thường gặp về giấy phép kinh doanh vàng miếng
7.1 Tổ chức, cá nhân chỉ được mua bán vàng miếng ở đâu?
Theo Điều 10 Nghị định 24/2012/NĐ-CP, việc mua bán vàng miếng của tổ chức, cá nhân chỉ được phép tiến hành tại các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng có Giấy phép kinh doanh vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước cấp.
7.2 Nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng tại đâu?
Dựa theo quy định tại Phần II Thủ tục ban hành kèm theo Quyết định 109/QĐ-NHNN năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng có thể nộp theo 02 hình thức sau:
- Trực tiếp tại trụ sở cơ quan hành chính (Bộ phận Một cửa).
- Qua dịch vụ bưu chính
7.3 Nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng online có được không?
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng chỉ có thể được thực hiện theo hai hình thức:
- Nộp trực tiếp tại trụ sở của cơ quan hành chính (Bộ phận Một cửa).
- Gửi qua dịch vụ bưu chính.
Do đó, hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng không được nộp Online.
7.4 Phí, lệ phí Nhà nước về cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng là bao nhiêu?
Thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng hoàn toàn miễn phí và không phải chịu bất kỳ lệ phí nào.
7.5 Thời gian xin cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng bao lâu?
Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành cấp hoặc từ chối cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng cho doanh nghiệp hoặc tổ chức tín dụng.
7.6 Người dân có được mua bán vàng miếng không?
Chỉ có các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng được cấp giấy phép kinh doanh thì mới được phép mua, bán vàng miếng. Người dân mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng sẽ bị phạt cảnh cáo theo Điều 24 Nghị định 88 năm 2019 của Chính phủ.