Tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp là cách xác định thuế dựa trên doanh thu, áp dụng cho một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ hoặc không đủ điều kiện khấu trừ thuế. Phương pháp này đơn giản, dễ áp dụng nhưng cần tuân thủ đúng quy định để tránh sai sót. Vậy cách tính cụ thể ra sao? Hãy cùng AZTAX tìm hiểu ngay trong bài viết này!
1. Tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp là gì?

Phương pháp tính thuế trực tiếp là cách doanh nghiệp xác định thuế giá trị gia tăng (GTGT – VAT) dựa trên tỷ lệ phần trăm trên doanh thu, tùy theo ngành nghề kinh doanh sẽ áp dụng mức thuế suất khác nhau.
Với phương pháp này, doanh nghiệp phải kê khai và nộp thuế GTGT ngay khi phát sinh doanh thu, bất kể số thuế đầu vào đã chịu.
Các đối tượng áp dụng phương pháp tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp trực tiếp được chia thành hai nhóm chính như sau:
1.1 Đối với hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý
Theo quy định tại điểm 4 Điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC, hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý áp dụng phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp trên giá trị gia tăng.
1.1.1 Đối tượng áp dụng
Phương pháp này áp dụng cho các cơ sở kinh doanh có hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý trên thị trường.
1.1.2 Cách xác định số thuế GTGT phải nộp
Số thuế giá trị gia tăng phải nộp đối với hoạt động này được tính theo công thức sau:
- Số thuế GTGT phải nộp = Gía trị gia tăng x Thuế suất GTGT
Trong đó:
- Gía trị gia tăng = Gía thanh toán bán ra – Gía thanh toán mua vào
Giải thích chi tiết:
- Giá thanh toán khi bán ra: là tổng số tiền ghi trên hóa đơn bán hàng, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (GTGT), tiền công chế tác (nếu có), cùng các khoản phụ thu và phí phát sinh mà cơ sở kinh doanh được hưởng.
- Giá thanh toán mua vào: Là giá trị thực tế của vàng, bạc, đá quý nhập khẩu hoặc mua từ nguồn trong nước, đã bao gồm thuế GTGT.
Thuế suất thuế GTGT áp dụng cho vàng, bạc, đá quý: 10%
1.1.3 Quy định về hạch toán và bù trừ thuế GTGT
Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng biệt đối với hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý để tính số thuế GTGT phải nộp chính xác.
Trong kỳ tính thuế:
- Nếu số thuế GTGT phải nộp có giá trị âm (<0), thì số thuế âm này sẽ được bù trừ vào số thuế GTGT dương (>0) của cùng hoạt động trong kỳ tính thuế đó.
- Nếu số thuế GTGT dương không đủ bù trừ, thì phần thuế âm sẽ được chuyển sang kỳ kê khai tiếp theo trong cùng năm dương lịch.
- Cuối năm dương lịch, số thuế GTGT âm sẽ không được kết chuyển sang năm tiếp theo.
1.2 Đối với các hoạt động khác (ngoài mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý)
1.2.1 Đối tượng áp dụng
Phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp được áp dụng cho các nhóm đối tượng sau:
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã có doanh thu hàng năm dưới 1 tỷ đồng, trừ trường hợp doanh nghiệp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập, ngoại trừ trường hợp tự nguyện đăng ký áp dụng phương pháp khấu trừ.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có phát sinh doanh thu tại Việt Nam và chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định. (Ngoại trừ các tổ chức cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, khi đó thuế sẽ do bên Việt Nam khấu trừ và nộp thay).
- Các tổ chức kinh tế khác không đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.
1.2.2 Phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp
Công thức tính thuế GTGT phải nộp:
- Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu x Tỷ lệ phần trăm theo ngành nghề
Trong đó:
- Doanh thu: là tổng số tiền thực tế nhận được từ hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, được ghi trên hóa đơn bán hàng, bao gồm cả các khoản phụ thu và phí bổ sung mà doanh nghiệp được hưởng.
- Lưu ý: Doanh thu từ hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT hoặc hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu không áp dụng tỷ lệ phần trăm trên doanh thu.
Tỷ lệ phần trăm để tính thuế GTGT theo ngành nghề
Ngành nghề kinh doanh |
Tỷ lệ (%) |
Phân phối, cung cấp hàng hoá | 1% |
Dịch vụ, xây dựng không bao gồm nguyên vật liệu (bao gồm lắp đặt máy móc, thiết bị công nghệ) | 5% |
Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao gồm nguyên vật liệu (bao gồm lắp đặt máy móc, thiết bị công nghiệp) | 3% |
Hoạt động kinh doanh khác | 2% |
1.2.3 Quy định về khai thuế và xác định doanh thu
- Cơ sở kinh doanh phải khai thuế theo từng nhóm lĩnh vực, ngành nghề tương ứng với mức tỷ lệ quy định.
- Trường hợp không thể xác định rõ doanh thu theo từng nhóm ngành nghề có mức thuế suất khác nhau, doanh nghiệp phải áp dụng mức tỷ lệ cao nhất trong nhóm ngành nghề mà mình tham gia.
- Nếu một hợp đồng kinh doanh trọn gói bao gồm nhiều ngành nghề có mức thuế suất khác nhau, thì mức tỷ lệ cao nhất trong các ngành đó sẽ được áp dụng để tính thuế GTGT phải nộp.
2. Phương pháp tính thuế GTGT đối hộ kinh doanh và cá nhân

Các quy định về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hướng dẫn theo Thông tư 40/2021/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 01/8/2021.
2.1 Đối tượng áp dụng
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống sẽ không phải nộp thuế GTGT.
- Nếu doanh thu vượt ngưỡng 100 triệu đồng/năm, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải áp dụng phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp. Trong trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có nhiều người cùng tham gia, việc nộp thuế sẽ do một người đại diện duy nhất thực hiện trong năm tính thuế.
2.2 Các phương pháp tính thuế GTGT cho hộ, cá nhân kinh doanh
Hiện nay, có ba phương pháp chính để tính thuế GTGT đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh:
- Phương pháp kê khai
- Phương pháp tính theo từng lần phát sinh
- Phương pháp khoán
2.2.1 Phương pháp kê khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
2.2.1.1 Đối tượng áp dụng
Phương pháp này áp dụng cho:
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn.
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc nhóm quy mô lớn nhưng đăng ký tự nguyện kê khai thuế.
Theo quy định, quy mô lớn được xác định dựa trên:
- Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bình quân trong năm.
- Tổng doanh thu của năm liền trước, tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động.
2.2.1.2 Tiêu chí xác định quy mô lớn
Lĩnh vực hoạt động | Số lao động tham gia BHXH bình quân năm | Tổng doanh thu năm liền trước |
Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng | Từ 10 người trở lên | Hoặc từ 3 tỷ đồng trở lên |
Thương mại, dịch vụ | Từ 10 người trở lên | Hoặc từ 10 tỷ đồng trở lên |
2.2.1.3 Cách thức thực hiện
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh kê khai thuế GTGT theo kỳ tháng hoặc quý, dựa trên doanh thu thực tế phát sinh.
- Không cần thực hiện quyết toán thuế cuối năm như doanh nghiệp.
2.2.1.4 Lưu ý quan trọng
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh áp dụng phương pháp kê khai phải thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn và chứng từ theo quy định.
2.2.2 Phương pháp tính thuế theo từng lần phát sinh đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
2.2.2.1 Đối tượng áp dụng
Phương pháp này dành cho cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định, bao gồm:
- Cá nhân kinh doanh lưu động – hoạt động mua bán không cố định tại một địa điểm cụ thể.
- Cá nhân là chủ thầu xây dựng tư nhân – thực hiện các công trình xây dựng theo từng hợp đồng riêng lẻ.
- Cá nhân thực hiện chuyển nhượng tên miền Internet quốc gia Việt Nam “.vn”.
- Cá nhân kinh doanh sản phẩm, dịch vụ nội dung số nhưng không đăng ký nộp thuế theo phương pháp kê khai.
2.2.2.2 Cách thức thực hiện
- Thuế GTGT được tính theo từng lần phát sinh doanh thu, thay vì theo kỳ kê khai hàng tháng hoặc quý như phương pháp kê khai.
- Cá nhân kinh doanh không bắt buộc phải thực hiện chế độ kế toán, nhưng phải lưu trữ đầy đủ chứng từ để làm căn cứ tính thuế.
2.2.2.3 Tài liệu cần nộp kèm theo hồ sơ khai thuế
- Bản sao hợp đồng kinh tế – Chứng minh hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ hợp pháp.
- Bản sao biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng – Xác nhận việc hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng và thanh toán.
- Bản sao tài liệu chứng minh nguồn gốc hàng hóa – Đảm bảo hàng hóa hợp pháp khi kê khai thuế.
2.2.3 Tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán
2.2.3.1 Đối tượng áp dụng
Phương pháp khoán áp dụng cho:
- Hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc diện kê khai thuế hoặc tính thuế theo từng lần phát sinh.
- Các trường hợp kinh doanh không đủ 12 tháng trong năm dương lịch (do mới bắt đầu kinh doanh, hoạt động theo thời vụ, hoặc tạm ngừng kinh doanh).
2.2.3.2 Xác định doanh thu khoán
Nếu hộ, cá nhân kinh doanh hoạt động dưới 12 tháng, doanh thu khoán sẽ được xác định dựa trên doanh thu thực tế trong khoảng thời gian kinh doanh, sau đó quy đổi tương ứng cho cả năm (12 tháng).
Ví dụ:
- Ông X bắt đầu kinh doanh từ tháng 6/2022 và có doanh thu thực tế của 7 tháng là 70 triệu đồng.
- Doanh thu quy đổi cả năm: 70 triệu ÷ 7 × 12 = 120 triệu đồng (>100 triệu đồng).
- Ông X phải nộp thuế GTGT do doanh thu vượt ngưỡng miễn thuế.
2.2.3.3 Cách tính thuế theo phương pháp khoán
Cơ quan thuế xác định mức thuế khoán dựa trên các yếu tố sau:
- Tờ khai thuế của hộ, cá nhân kinh doanh.
- Cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế.
- Ý kiến của Hội đồng tư vấn thuế cấp xã, phường được xem xét trong quá trình xác định mức thuế khoán.
Nguyên tắc tính thuế khoán:
- Áp dụng theo năm dương lịch hoặc theo tháng đối với hoạt động kinh doanh theo mùa vụ.
- Cá nhân kinh doanh không cần thực hiện chế độ kế toán.
- Cơ quan thuế quyết định mức thuế khoán mà hộ, cá nhân phải nộp.
2.2.3.4 Lưu ý quan trọng
- Hóa đơn, chứng từ hợp pháp
-
- Nếu hộ khoán sử dụng hóa đơn bán lẻ, cần lưu trữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ, hợp đồng kinh doanh để xuất trình khi cơ quan thuế yêu cầu.
- Hợp đồng kinh tế phải phù hợp với ngành nghề kinh doanh của hộ/cá nhân.
- Hộ kinh doanh tại khu vực đặc thù
-
- Các hộ khoán kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu bắt buộc phải lưu trữ và xuất trình đầy đủ chứng từ hợp lệ khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý.
2.3 Phương pháp tính thuế GTGT đối với một số trường hợp đặc biệt
2.3.1 Cá nhân cho thuê tài sản
Phạm vi áp dụng
Cá nhân có doanh thu từ việc cho thuê các loại tài sản sau:
- Nhà ở, mặt bằng kinh doanh, cửa hàng, kho bãi, nhà xưởng (không bao gồm dịch vụ lưu trú).
- Phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị (không kèm theo người điều khiển).
- Các loại tài sản khác (không kèm theo dịch vụ đi kèm).
Lưu ý: Các khoản thu nhập từ dịch vụ lưu trú (khách sạn, căn hộ cho thuê ngắn hạn, ký túc xá sinh viên, công nhân, dịch vụ ăn uống đi kèm…) không tính vào doanh thu cho thuê tài sản.
Cách tính thuế
- Thuế GTGT phải nộp = 5% trên tổng doanh thu cho thuê.
- Cá nhân khai thuế theo từng lần phát sinh kỳ thanh toán hoặc khai thuế theo năm.
- Nếu cá nhân cho thuê dưới 12 tháng trong năm, cơ quan thuế sẽ quy đổi doanh thu thực tế để xác định nghĩa vụ thuế.
Ví dụ:
- Ông A cho thuê nhà từ tháng 4 với tổng doanh thu 90 triệu trong 9 tháng.
- Doanh thu ước tính cả năm: 90 triệu ÷ 9 × 12 = 120 triệu (>100 triệu đồng).
- Ông A phải nộp thuế GTGT.
Trường hợp bên thuê thanh toán tiền thuê trước cho nhiều năm.
Nếu bên thuê thanh toán trước tiền thuê cho nhiều năm, cá nhân cho thuê phải nộp thuế một lần cho toàn bộ số tiền nhận trước. Nếu có thay đổi về hợp đồng (thời gian thuê, doanh thu…), cá nhân cần khai bổ sung điều chỉnh vào kỳ tính thuế có sự thay đổi.
2.3.2 Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay
Một số tổ chức có trách nhiệm khai thuế và nộp thuế thay cá nhân trong các trường hợp sau:
- Tổ chức thuê tài sản của cá nhân, nếu trong hợp đồng thuê có quy định bên thuê chịu trách nhiệm nộp thuế.
- Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân.
- Tổ chức chi trả các khoản hỗ trợ, thưởng, khuyến mại, chiết khấu thương mại cho hộ, cá nhân kinh doanh khoán.
- Tổ chức tại Việt Nam là đối tác của nền tảng số nước ngoài, thực hiện chi trả thu nhập từ dịch vụ nội dung số cho cá nhân.
- Tổ chức sở hữu sàn thương mại điện tử, thực hiện kê khai và nộp thuế thay cá nhân kinh doanh trên sàn.
- Tổ chức, cá nhân được cá nhân kinh doanh ủy quyền thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay.
Trường hợp cá nhân có thu nhập từ nhiều nguồn trong năm
- Nếu cá nhân có doanh thu từ nhiều nơi khác nhau, ước tính tổng doanh thu cả năm vượt 100 triệu đồng, có thể ủy quyền cho từng tổ chức chi trả thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay theo từng khoản thu nhập phát sinh.
Đối với hộ, cá nhân kinh doanh khoán
- Nếu hộ, cá nhân kinh doanh khoán nhận được các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, thì tổ chức chi trả phải thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay theo thực tế chi trả.
Cơ sở pháp lý tham khảo
Căn cứ pháp lý | Nội dung áp dụng | Thời điểm hiệu lực |
Luật số 31/2013/QH13 | Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT | 01/01/2014 |
Nghị định 209/2013/NĐ-CP | Quy định chi tiết về Luật Thuế GTGT | 01/01/2014 |
Thông tư 219/2013/TT-BTC | Hướng dẫn thực hiện Luật Thuế GTGT | 01/01/2014 |
Thông tư 119/2014/TT-BTC | Sửa đổi, bổ sung một số quy định thuế | 01/09/2021 |
Thông tư 40/2021/TT-BTC | Hướng dẫn thuế GTGT, TNCN cho hộ, cá nhân kinh doanh | 01/08/2021 |
3. Danh mục ngành nghề tính thuế GTGT theo tỷ lệ % trên doanh thu

Theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 219/2013/TT-BTC, các nhóm ngành nghề dưới đây sẽ áp dụng phương pháp tính thuế GTGT theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu:
3.1 Nhóm Ngành Phân Phối, Cung Cấp Hàng Hóa – Tỷ Lệ 1%
Đối tượng áp dụng:
- Doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động bán buôn, bán lẻ các loại hàng hóa.
- Không áp dụng cho hàng hóa bán theo hình thức đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng.
3.2 Nhóm Ngành Dịch Vụ, Xây Dựng Không Bao Thầu Nguyên Vật Liệu – Tỷ Lệ 5%
Các ngành nghề cụ thể:
- Dịch vụ lưu trú: Kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ.
- Dịch vụ cho thuê: Nhà, đất, cửa hàng, nhà xưởng, kho bãi, phương tiện vận tải.
- Dịch vụ hỗ trợ vận tải: Bốc xếp hàng hóa, bán vé, trông giữ phương tiện.
- Dịch vụ bưu chính: Chuyển phát thư tín, bưu kiện.
- Dịch vụ môi giới & đấu giá: Môi giới bất động sản, đấu giá tài sản, đại lý hoa hồng.
- Dịch vụ tư vấn: Luật, tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế, hải quan.
- Dịch vụ công nghệ: Xử lý dữ liệu, cho thuê cổng thông tin, viễn thông.
- Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh: Văn phòng, quản lý doanh nghiệp.
- Dịch vụ giải trí & cá nhân: Karaoke, massage, vũ trường, bi-a, internet, game.
- Dịch vụ cá nhân khác: May đo, giặt là, làm tóc, cắt tóc, trang điểm.
- Dịch vụ sửa chữa nhỏ: Sửa máy tính, đồ gia dụng.
- Xây dựng & lắp đặt: Không bao thầu nguyên vật liệu (bao gồm cả lắp đặt máy móc, thiết bị công nghiệp).
3.3 Ngành Sản Xuất, Vận Tải, Dịch Vụ & Xây Dựng Bao Thầu – Tỷ Lệ 3%
Các ngành nghề cụ thể:
- Sản xuất, chế biến: Gia công hàng hóa, khai thác khoáng sản.
- Vận tải: Chở hàng, vận chuyển hành khách.
- Dịch vụ kèm bán hàng: Bảo dưỡng, đào tạo, chuyển giao công nghệ.
- Dịch vụ ăn uống: Nhà hàng, quán ăn, dịch vụ cung cấp suất ăn.
- Sửa chữa & bảo dưỡng: Máy móc, phương tiện vận tải, ô tô, xe máy.
- Xây dựng & lắp đặt: Có bao thầu nguyên vật liệu (gồm cả lắp đặt thiết bị công nghiệp).
3.4 Nhóm Ngành Hoạt Động Kinh Doanh Khác – Tỷ Lệ 2%
Các hoạt động thuộc nhóm này bao gồm:
- Sản xuất hàng hóa áp dụng thuế GTGT 5% theo phương pháp khấu trừ.
- Cung cấp dịch vụ thuộc nhóm chịu thuế GTGT 5% theo phương pháp khấu trừ.
- Các ngành nghề chưa thuộc các nhóm (1), (2), (3) kể trên.
4. Một số câu hỏi thường gặp
4.1 Thời Hạn Nộp Tờ Khai Thuế GTGT Theo Phương Pháp Trực Tiếp Được Quy Định Như Thế Nào?
Thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT phụ thuộc vào chu kỳ kê khai của doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh:
- Kê khai theo tháng: Hạn nộp chậm nhất vào ngày 20 của tháng liền kề sau tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.
- Kê khai theo quý: Hạn nộp chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu tiên trong quý kế tiếp.
Cơ sở pháp lý: Điều 44 Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019.
4.2 Doanh Nghiệp Kê Khai Thuế GTGT Trực Tiếp Có Phải Tính Thuế TNDN Trực Tiếp?
Không phải tất cả các doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp đều phải tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo phương pháp trực tiếp.
Nguyên tắc áp dụng:
- Nếu doanh nghiệp thuộc diện kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp nhưng muốn tính TNDN theo tỷ lệ % trên doanh thu, cần đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 3, Thông tư 78/2014/TT-BTC.
- Phải có văn bản đề nghị và được cơ quan thuế quản lý chấp thuận bằng công văn chính thức.
Lưu ý quan trọng: Việc áp dụng phương pháp kê khai thuế GTGT không đồng nghĩa với phương pháp tính thuế TNDN. Doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ điều kiện pháp lý trước khi lựa chọn phương pháp tính thuế phù hợp.
Tóm lại, tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp là một cách xác định nghĩa vụ thuế phù hợp với hộ kinh doanh, doanh nghiệp có doanh thu nhỏ hoặc hoạt động đặc thù. Hiểu rõ phương pháp này giúp doanh nghiệp tuân thủ quy định, tránh sai sót và tối ưu chi phí thuế. Nếu bạn cần tư vấn chi tiết về cách tính thuế GTGT hoặc có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ ngay với AZTAX qua HOTLINE: 0932 383 089 để được hỗ trợ nhanh chóng!