Thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến số thuế mà doanh nghiệp phải nộp. Vậy những khoản thu nhập nào sẽ bị tính thuế? Doanh nghiệp có thể áp dụng những quy định nào để tối ưu nghĩa vụ thuế một cách hợp pháp? Việc nắm rõ bản chất, phạm vi và cách xác định thu nhập chịu thuế không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định pháp luật mà còn góp phần tối ưu hóa lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro tài chính trong hoạt động kinh doanh.
1. Công thức tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo khoản 2 Điều 4 Thông tư số 78/2014/TT-BTC sửa đổi tại Điều 2 Thông tư số 96/2015/TT-BTC, thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và thu nhập khác.
Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế xác định theo công thức sau:
Thu nhập chịu thuế = (Doanh thu – Chi phí được trừ) + Các khoản thu nhập khác
2. Cách xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp

Để tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), doanh nghiệp cần xác định rõ các yếu tố sau: (1) Doanh thu, (2) Chi phí được trừ, (3) Các khoản thu nhập khác. Cụ thể:
(1) Doanh thu
Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 78/2014/TT-BTC, doanh thu dùng để tính thu nhập chịu thuế bao gồm toàn bộ khoản thu từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này bao gồm:
Tiền bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, gia công sản phẩm.
Các khoản phụ thu, trợ giá, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng, không phân biệt đã thu tiền hay chưa.
- Đối với doanh nghiệp áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT, doanh thu tính thuế không bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Ví dụ: Doanh nghiệp B là đơn vị nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ. Hóa đơn giá trị gia tăng của doanh nghiệp có các chỉ tiêu như sau:
- Giá bán sản phẩm: 200.000 đồng
- Thuế GTGT (8%): 16.000 đồng
- Tổng giá thanh toán: 216.000 đồng
Trong trường hợp này, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là 200.000 VNĐ, không bao gồm thuế GTGT.
- Đối với doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng là doanh thu bao gồm cả thuế giá trị gia tăng.
Ví dụ: Doanh nghiệp C kê khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ. Khi bán một sản phẩm, hóa đơn ghi rõ:
- Giá bán chưa thuế GTGT: 200.000 đồng
- Thuế GTGT (10%): 20.000 đồng
- Tổng giá thanh toán: 220.000 đồng
Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế TNDN: 200.000 VNĐ (không bao gồm thuế GTGT).
- Đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhận khoản thanh toán trước cho nhiều năm, doanh thu chịu thuế có thể được phân bổ theo số năm đã thu hoặc tính gộp một lần vào thời điểm nhận tiền.
Nếu doanh nghiệp đang trong giai đoạn hưởng ưu đãi thuế, số thuế được ưu đãi sẽ được xác định dựa trên tổng thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, chia đều cho số năm đã nhận thanh toán trước.
Lưu ý về doanh thu
- Thu nhập từ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được xác định bằng tổng doanh thu từ các hoạt động này sau khi trừ đi các khoản chi phí hợp lệ liên quan.
Trường hợp doanh nghiệp có nhiều lĩnh vực kinh doanh với các mức thuế suất khác nhau, cần xác định riêng thu nhập của từng hoạt động và áp dụng thuế suất tương ứng.
- Các khoản thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, dự án đầu tư, quyền tham gia dự án, hoặc quyền khai thác khoáng sản phải được hạch toán riêng và chịu thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất 20%.
Những khoản thu nhập này không thuộc diện được hưởng ưu đãi thuế, ngoại trừ thu nhập từ dự án đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội phục vụ mục đích bán, cho thuê, hoặc cho thuê mua, được áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10%.
Nếu doanh nghiệp trong kỳ tính thuế có lỗ từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, hoặc chuyển nhượng quyền tham gia thực hiện dự án đầu tư (trừ lĩnh vực thăm dò, khai thác khoáng sản), thì khoản lỗ này có thể được bù trừ với lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm cả thu nhập khác theo quy định tại Điều 7 Thông tư 78/2014/TT-BTC. Nếu sau khi bù trừ vẫn còn lỗ, phần lỗ tiếp tục được chuyển sang các năm sau theo thời hạn quy định về chuyển lỗ.
- Trong trường hợp doanh nghiệp tiến hành giải thể, nếu phát sinh thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là tài sản cố định, khoản lãi này có thể được bù trừ với số lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm cả lỗ của các năm trước được chuyển sang, trong kỳ tính thuế mà giao dịch chuyển nhượng bất động sản diễn ra.
(2) Các khoản chi được trừ
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau, ngoại trừ những khoản chi không hợp lệ theo quy định:
Điều kiện 1: Khoản chi thực tế phát sinh có liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Điều kiện 2: Khoản chi có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Điều kiện 3: Đối với khoản chi có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từ 20 triệu đồng trở lên (đã bao gồm thuế GTGT), khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Như vậy, doanh nghiệp được trừ chi phí nếu khoản chi thực tế phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và đáp ứng đầy đủ yêu cầu về chứng từ hợp lệ theo quy định pháp luật.
(3) Các khoản thu nhập khác
Theo Điều 7 Thông tư 78/2014/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 96/2015/TT-BTC và Thông tư 151/2014/TT-BTC), thu nhập khác chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:
- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chứng khoán, được hướng dẫn chi tiết tại Chương IV Thông tư 78/2014/TT-BTC.
- Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, theo Chương V của Thông tư này, bao gồm:
- Lợi nhuận từ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền thuê đất, kể cả trường hợp chuyển nhượng dự án gắn liền với quyền sử dụng đất hoặc thuê đất theo quy định pháp luật.
- Doanh thu từ hoạt động cho thuê lại đất của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, không phân biệt có hay không có công trình xây dựng trên đất.
- Thu nhập từ việc chuyển nhượng nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất, kể cả tài sản đi kèm nếu không được tách riêng giá trị khi chuyển nhượng, bất kể có hay không có chuyển nhượng quyền sử dụng hoặc thuê đất.
3. Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 2025

Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) có mức dao động từ 20% đến 50%, tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp và lĩnh vực hoạt động, cụ thể:
- Thuế suất 20%: Áp dụng phổ biến cho các doanh nghiệp có tổng doanh thu hàng năm không vượt quá 20 tỷ đồng, ngoại trừ những trường hợp được hưởng ưu đãi thuế suất hoặc thuộc nhóm doanh nghiệp chịu thuế suất từ 32% trở lên (Căn cứ khoản 6 Điều 1 Luật Thuế TNDN sửa đổi 2013).
- Thuế suất 32% – 50%: Áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và tài nguyên quý hiếm tại Việt Nam (Căn cứ khoản 3 Điều 10 Nghị định 218/2013/NĐ-CP). Trong đó:
- Mức thuế suất cụ thể đối với hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên được Thủ tướng Chính phủ quyết định, dựa trên điều kiện khai thác, vị trí và trữ lượng của từng mỏ theo đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
- Thuế suất 40%: Áp dụng đối với mỏ tài nguyên có ít nhất 70% diện tích thuộc khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, theo danh mục ưu đãi thuế TNDN ban hành kèm theo Nghị định 218/2013/NĐ-CP.
- Thuế suất 50%: Áp dụng cho hoạt động khai thác các loại tài nguyên quý hiếm như bạch kim, vàng, bạc, thiếc, wolfram, antimon, đá quý, đất hiếm.
- Thuế suất 25% – 50%: Dành cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, căn cứ vào khoản 3 Điều 10 Luật Thuế TNDN. Ngoài ra, các chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực này cũng được quy định tại Điều 54 Luật Dầu khí 2022.
1. Chính sách ưu đãi áp dụng đối với các lô, mỏ dầu khí được thực hiện thông qua hợp đồng dầu khí.
2. Hợp đồng dầu khí đối với lô, mỏ dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 32%, thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 10% và mức thu hồi chi phí tối đa 70% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm.
3. Hợp đồng dầu khí đối với lô, mỏ dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%, thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 5% và mức thu hồi chi phí tối đa 80% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm.
4. Các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo quy định tại Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp sửa đổi năm 2013 và các điều khoản bổ sung năm 2014, thu nhập chịu thuế TNDN bao gồm:
Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ
Đây là khoản thu nhập phát sinh từ việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ ra thị trường. Lưu ý rằng các ngành nghề kinh doanh phải được đăng ký hợp pháp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các khoản thu nhập khác
Dựa trên Điều 3 Nghị định 218/2013/NĐ-CP và Điều 1 Nghị định 12/2015/NĐ-CP, thu nhập khác chịu thuế bao gồm:
Thu nhập từ chuyển nhượng vốn
- Gồm việc bán toàn bộ hoặc một phần vốn góp, chuyển nhượng cổ phần, nhượng quyền chứng khoán, bán doanh nghiệp, hoặc chuyển nhượng quyền tham gia góp vốn.
- Thu nhập từ chuyển nhượng tài sản, dự án đầu tư: Bao gồm chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng quyền thuê đất, quyền thăm dò và khai thác khoáng sản.
- Thu nhập từ quyền sở hữu và sử dụng tài sản: Gồm thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, cho thuê tài sản.
- Thu nhập từ hoạt động cho thuê và thanh lý tài sản, hợp đồng: Bao gồm doanh thu phát sinh từ việc cho thuê tài sản, thanh lý hợp đồng kinh tế, chuyển nhượng hoặc thanh lý các loại tài sản hữu hình, vô hình, cũng như các giấy tờ có giá trị theo quy định.
Các nguồn thu nhập tài chính và thu nhập khác
- Lợi nhuận từ lãi suất và hoạt động tín dụng: Gồm thu nhập từ lãi suất các khoản vay, tiền gửi, hoặc tín dụng theo quy định pháp luật.
- Giao dịch ngoại hối: Bao gồm thu nhập từ việc mua bán, trao đổi ngoại tệ, chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ hoặc do đánh giá lại các khoản nợ bằng ngoại tệ.
- Khoản thu từ dự phòng và nợ khó đòi: Gồm thu nhập từ các khoản trích lập dự phòng nhưng không sử dụng hết hoặc thu hồi được nợ đã xoá.
- Nợ phải trả không xác định chủ nợ: Khoản thu nhập từ nghĩa vụ nợ không có thông tin cụ thể về chủ nợ.
- Lợi nhuận từ hoạt động chưa kê khai: Thu nhập phát sinh từ hoạt động kinh doanh bị bỏ sót trong quá trình hạch toán.
- Khoản tài trợ và trợ cấp: Bao gồm nguồn thu từ tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật.
- Thu nhập từ hoạt động ở nước ngoài: Lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh ngoài lãnh thổ Việt Nam.
- Các khoản thu nhập khác: Bao gồm cả những khoản được miễn thuế theo quy định pháp luật.
5. Thu nhập được miễn thuế TNDN

Kế toán doanh nghiệp cần nắm rõ các khoản thu nhập được miễn thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Dưới đây là một số trường hợp doanh nghiệp không phải nộp thuế TNDN:
- Thu nhập từ lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và diêm nghiệp
- Hợp tác xã thu nhập từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất muối.
- Khoản thu nhập từ hoạt động của hợp tác xã trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp khi hoạt động tại khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
- Doanh nghiệp có thu nhập từ các hoạt động như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và chế biến nông sản, thủy sản tại những địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
- Doanh thu từ đánh bắt hải sản xa bờ.
- Thu nhập từ cung cấp dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp
- Thu nhập từ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ
Lợi nhuận từ hợp đồng nghiên cứu và phát triển công nghệ, Sản phẩm sản xuất thử nghiệm hoặc từ công nghệ mới áp dụng lần đầu tại Việt Nam.
- Thu nhập từ hoạt động của doanh nghiệp xã hội và hỗ trợ lao động đặc biệt. Doanh nghiệp được miễn thuế khi thỏa mãn đồng thời cả 3 điều kiện:
- Trên 30% lao động là người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS hoặc người sau cai nghiện.
- Quy mô lao động bình quân năm trên 20 người.
- Không hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bất động sản…
- Thu nhập từ đào tạo nghề cho nhóm đối tượng yếu thế
Áp dụng với doanh nghiệp hoạt động đào tạo nghề dành cho người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số hoặc người có tiền sử vi phạm pháp luật.
- Thu nhập từ hoạt động góp vốn, liên doanh, liên kết
Lợi nhuận phát sinh từ việc góp vốn hoặc hợp tác với doanh nghiệp trong nước, với điều kiện đã nộp thuế TNDN trước đó.
- Thu nhập từ khoản tài trợ dành cho các hoạt động xã hội
Khoản tài trợ dùng cho mục đích giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và các hoạt động xã hội khác tại Việt Nam.
- Thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs)
Doanh nghiệp được cấp chứng chỉ giảm phát thải sẽ không phải chịu thuế thu nhập từ việc chuyển nhượng CERs.
6. Bài tập tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Đề bài: Năm 2024, công ty C có các nghiệp vụ tài chính như sau:
Số liệu năm 2023: Lỗ 65.000.000đ
Năm 2024:
- Doanh thu từ:
- Hoạt động kinh doanh sản phẩm và dịch vụ: 820.000.000đ
- Hoạt động tài chính (Lãi tiền gửi): 15.000.000đ
- Chi phí:
- Giá vốn hàng bán: 350.000.000đ
- Chi phí bán hàng: 120.000.000đ
- Quản lý doanh nghiệp: 130.000.000đ
- Chi phí lãi vay: 10.000.000đ (Không được trừ do công ty chưa góp đủ vốn điều lệ)
- Các khoản chi phí khác: 30.000.000đ
- Thu nhập khác từ thanh lý tài sản cố định: 95.000.000đ
Yêu cầu: Tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024, biết rằng thuế suất thuế TNDN là 20%
Lời giải:
Áp dụng công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp:
Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp = Thu nhập tính thuế trong kỳ x Thuế suất
Trong đó:
Thu nhập tính thuế = (Doanh thu + Các khoản thu nhập khác) – (Chi phí sản xuất, kinh doanh + thu nhập được miễn thuế + các khoản lỗ được kết chuyển từ năm trước)
Thay số vào
(820.000.000 + 15.000.000 + 95.000.000) – (350.000.000 + 120.000.000 + 130.000.000 + 30.000.000 + 65.000.000) = 235.000.000 VNĐ
Thuế TNDN phải nộp = 235.000.000 x 20% = 47.000.000 VNĐ
Vậy, số thuế thu nhập doanh nghiệp công ty C phải nộp năm 2024 là 47.000.000đ.
7. Thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp

Căn cứ khoản 1 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019, thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo quý phải được thực hiện muộn nhất vào ngày 30 của tháng đầu tiên trong quý tiếp theo.
Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP, bổ sung thêm quy định sau:
Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế, thời hạn cơ quan quản lý thuế giải quyết hồ sơ, thời hạn hiệu lực của quyết định cưỡng chế trùng với ngày nghỉ theo quy định thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày làm việc liền kề sau ngày nghỉ đó.
Dựa trên quy định này, lịch nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo quý trong năm 2024 được xác định như sau:
- Quý IV năm 2023: Hạn nộp chậm nhất là ngày 30/01/2024.
- Quý I năm 2024: Hạn nộp chậm nhất là ngày 02/05/2024 (do ngày 30/04 và 01/05 trùng với dịp nghỉ lễ).
- Quý II năm 2024: Hạn nộp chậm nhất là ngày 30/07/2024.
- Quý III năm 2024: Hạn nộp chậm nhất là ngày 30/10/2024.
- Quý IV năm 2024: Hạn nộp chậm nhất là ngày 30/01/2025.
8. Cách kê khai giảm thuế thu nhập danh nghiệp phải nộp

Để thực hiện việc kê khai giảm thuế TNDN, doanh nghiệp cần tuân theo quy trình gồm 3 bước sau:
Bước 1: Xác định số thuế được giảm khi tạm nộp theo quý
Dựa trên doanh thu thực tế trong kỳ tính thuế năm 2022 và doanh thu dự kiến của năm 2023, doanh nghiệp tự tính toán mức thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm khi tạm nộp theo quý.
Bước 2: Thực hiện kê khai giảm thuế
Người nộp thuế tiến hành kê khai theo biểu mẫu quy định trong Thông tư số 80/2021/TT-BTC để đề xuất mức giảm thuế tương ứng.
Bước 3: Cơ quan thuế xác nhận kết quả
Sau khi xem xét hồ sơ, cơ quan thuế sẽ xác định liệu doanh nghiệp có đủ điều kiện được giảm thuế theo quy định pháp luật hay không và thông báo kết quả cho doanh nghiệp.
Hiểu rõ thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp quản lý tài chính hiệu quả và tuân thủ đúng quy định pháp luật. Việc xác định chính xác các khoản thu nhập chịu thuế, áp dụng các ưu đãi thuế hợp lý và lập kế hoạch thuế bài bản sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nghĩa vụ thuế, tránh các rủi ro pháp lý không đáng có. Một chiến lược thuế thông minh không chỉ đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.