Tài khoản 632– Giá vốn hàng bán đóng vai trò quan trọng không thể thay thế trong báo cáo tài chính của công ty. Vậy làm thế nào để doanh nghiệp quản lý hiệu quả dòng tiền và tối ưu hóa chiến lược tài chính? Hãy cùng AZTAX khám phá sâu hơn về nội dung và cách hạch toán tài khoản 632 mới nhất và phổ biến nhất hiện nay.
1. Tài khoản 632 là tài khoản gì?
2. Nguyên tắc kế toán tài khoản 632
Theo quy định tại khoản 1 Điều 89 Thông tư 200/2014/TT-BTC, nguyên tắc kế toán liên quan đến tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán được hướng dẫn cụ thể như sau:
a) Tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán dùng để phản ánh trị giá vốn của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, và bất động sản đầu tư, cũng như giá thành sản xuất của các sản phẩm xây lắp (đối với doanh nghiệp xây lắp) đã bán trong kỳ. Bên cạnh đó, tài khoản này còn phản ánh các chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản đầu tư, bao gồm chi phí khấu hao, chi phí sửa chữa, chi phí nghiệp vụ cho thuê bất động sản theo phương thức cho thuê hoạt động (nếu phát sinh không đáng kể), và các chi phí liên quan đến việc nhượng bán hoặc thanh lý bất động sản đầu tư.
b) Trường hợp doanh nghiệp là chủ đầu tư kinh doanh bất động sản nhưng chưa tập hợp đầy đủ hồ sơ, chứng từ liên quan đến chi phí đầu tư, xây dựng bất động sản, doanh nghiệp vẫn có thể trích trước một phần chi phí để tạm tính giá vốn hàng bán nếu đã phát sinh doanh thu từ việc nhượng bán bất động sản. Khi hoàn thiện hồ sơ hoặc khi bất động sản được xây dựng hoàn chỉnh, doanh nghiệp phải quyết toán các chi phí đã trích trước vào giá vốn hàng bán. Nếu số chi phí trích trước cao hơn thực tế phát sinh, phần chênh lệch sẽ được điều chỉnh giảm giá vốn hàng bán trong kỳ quyết toán. Việc trích trước chi phí phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Chỉ trích trước chi phí đã có trong dự toán: Doanh nghiệp chỉ được trích trước đối với các chi phí nằm trong dự toán đầu tư, xây dựng nhưng chưa có đủ hồ sơ nghiệm thu, đồng thời cần thuyết minh rõ ràng lý do, nội dung chi phí trích trước cho từng hạng mục công trình.
- Áp dụng cho bất động sản đủ điều kiện ghi nhận doanh thu: Chi phí trích trước chỉ được áp dụng với phần bất động sản đã hoàn thành, được xác định là bán trong kỳ và đáp ứng đủ điều kiện ghi nhận doanh thu.
- Đảm bảo tính tương ứng: Chi phí trích trước và chi phí thực tế phát sinh phải tương ứng với định mức giá vốn được tính dựa trên tổng chi phí dự toán của bất động sản đã bán, xác định theo diện tích.
Những nguyên tắc này nhằm đảm bảo tính minh bạch và chính xác trong việc hạch toán giá vốn hàng bán, đồng thời giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt hơn các chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản.
c) Khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho được hạch toán vào giá vốn hàng bán dựa trên chênh lệch giữa giá trị thuần có thể thực hiện được và giá gốc của hàng tồn kho, nếu giá trị thuần thấp hơn giá gốc.
Khi tính toán khối lượng hàng tồn kho cần trích lập dự phòng giảm giá, kế toán phải loại trừ những lô hàng đã ký hợp đồng tiêu thụ, trong đó giá trị thuần có thể thực hiện được không thấp hơn giá trị ghi sổ. Điều này áp dụng trong trường hợp có đủ bằng chứng chắc chắn rằng khách hàng sẽ thực hiện hợp đồng và không từ bỏ giao dịch.
d) Khi doanh nghiệp bán sản phẩm hoặc hàng hóa kèm theo thiết bị và phụ tùng thay thế, giá trị của các thiết bị và phụ tùng thay thế này sẽ được ghi nhận trực tiếp vào giá vốn hàng bán.
đ) Đối với giá trị hàng tồn kho bị hao hụt hoặc mất mát phải được hạch toán trực tiếp vào giá vốn hàng bán, sau khi đã khấu trừ các khoản bồi thường nhận được (nếu có).
e) Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp tiêu hao vượt mức bình thường, chi phí nhân công, cùng với chi phí sản xuất chung cố định không được phân bổ vào giá trị sản phẩm nhập kho, cần được ghi nhận ngay vào giá vốn hàng bán, kể cả khi sản phẩm hoặc hàng hóa chưa được xác định là đã tiêu thụ. Các khoản này được tính sau khi trừ đi các khoản bồi thường nhận được (nếu có).
g) Các khoản thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, và thuế bảo vệ môi trường đã được tính vào giá trị hàng mua sẽ được ghi giảm giá vốn hàng bán nếu các khoản thuế này được hoàn lại khi hàng hóa được xuất bán.
h) Các khoản chi phí không được công nhận là chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế, nhưng có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và đã hạch toán đúng theo chế độ kế toán, sẽ không được ghi giảm chi phí kế toán. Thay vào đó, chúng chỉ được điều chỉnh trong quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, làm tăng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
3. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 632
Doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên
Bên nợ:
- Đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh:
- Ghi nhận trị giá vốn của các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã bán trong kỳ.
- Chi phí nguyên liệu, vật liệu, chi phí nhân công vượt trên mức bình thường và chi phí sản xuất chung cố định sẽ được tính vào giá vốn của hàng bán trong kỳ.
- Điều chỉnh chi phí hư hỏng, hao hụt, mất mát của hàng tồn kho sau khi trừ phần bồi thường do trách nhiệm cá nhân gây ra.
- Chi phí xây dựng, tự chế TSCĐ vượt quá mức bình thường sẽ không được tính vào nguyên giá của TSCĐ hữu hình tự xây dựng, tự chế hoàn thành.
- Trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cho hàng hóa, nguyên vật liệu bị hủy bỏ do hết hạn sử dụng, không còn giá trị sử dụng, với chênh lệch so với số dự phòng của kỳ trước chưa sử dụng hết.
- Đối với hoạt động kinh doanh bất động sản để đầu tư:
- Ghi nhận giá trị khấu hao bất động sản đã cho thuê trong kỳ.
- Các chi phí liên quan đến BĐS như phí cải tạo, sửa chữa, nâng cấp không đủ điều kiện để đưa vào nguyên giá của BĐS.
- Chi phí phát sinh từ việc cho thuê BĐS như phí quản lý chung cư, phí bảo trì.
- Ghi nhận giá trị còn lại của BĐS khi bán, thanh lý trong kỳ.
- Chi phí từ việc bán, thanh lý BĐS đầu tư phát sinh trong kỳ.
- Trích trước cho hàng hóa BĐS đã được xác định bán.
Bên có:
- Kết chuyển giá vốn của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã bán trong kỳ vào TK 911 “Xác định kết quả kinh doanh” vào cuối kỳ.
- Kết chuyển toàn bộ chi phí liên quan đến việc kinh doanh BĐS đầu tư đã phát sinh trong kỳ để xác định kết quả kinh doanh của kỳ đó.
- Hoàn lại khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho nếu số dự phòng phải lập của kỳ này nhỏ hơn số dự phòng đã trích lập của kỳ trước mà chưa dùng hết.
- Nhập kho các hàng bán trong kỳ bị trả lại.
- Hoàn lại chi phí trích trước đối với BĐS đầu tư đã bán nếu phần chênh lệch chi phí trích trước còn lại cao hơn chi phí thực tế đã phát sinh.
- Ghi nhận chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán nếu đã xuất bán trong kỳ.
- Điều chỉnh các khoản thuế được hoàn lại như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường đã được tính khi xác định giá vốn.
Doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ
Đối với những doanh nghiệp kinh doanh thương mại
Bên nợ:
- Trị giá vốn của hàng hóa đã xuất bán trong kỳ.
- Trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho (chênh lệch giữa số dự phòng phải lập trong kỳ này lớn hơn so với số dự phòng đã lập trong kỳ trước chưa sử dụng hết).
Bên có:
- Kết chuyển giá vốn của hàng hóa đã gửi bán nhưng chưa được xác định là đã tiêu thụ.
- Hoàn lại khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho nếu số dự phòng phải lập của kỳ này nhỏ hơn số dự phòng đã trích lập của kỳ trước mà chưa dùng hết.
- Kết chuyển giá vốn của hàng hóa đã bán trong kỳ sang tài khoản xác định kết quả kinh doanh.
Đối với doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh ngành dịch vụ
Bên nợ:
- Trị giá vốn của thành phẩm, dịch vụ còn tồn kho đầu kỳ.
- Trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho (chênh lệch giữa số dự phòng phải lập trong kỳ này lớn hơn so với số dự phòng đã lập trong kỳ trước chưa sử dụng hết).
- Ghi nhận giá trị vốn của thành phẩm sau khi sản xuất xong đã nhập kho và hoạt động dịch vụ đã hoàn thành.
Bên có:
- Kết chuyển giá vốn của thành phẩm, dịch vụ tồn kho cuối kỳ vào TK 155 “Thành phẩm” và TK 154 “Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang”.
- Hoàn lại khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho nếu số dự phòng phải lập của kỳ này nhỏ hơn số dự phòng đã trích lập của kỳ trước mà chưa dùng hết.
- Kết chuyển giá vốn của thành phẩm, dịch vụ đã hoàn thành và đã xác định đã xuất bán trong kỳ sang TK 911 “Xác định kết quả kinh doanh”.
Lưu ý: Tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán không có số dư cuối kỳ.
Lưu ý: Tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán không có tài khoản cấp 2
4. Hạch toán tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán
Doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên
a) Khi xuất bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã hoàn thành và được xác nhận đã bán trong kỳ
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán.
- Có TK 154, 155, 156, 157…
b) Các khoản chi phí phát sinh được hạch toán trực tiếp vào giá vốn hàng bán
Trường hợp sản lượng thực tế sản xuất thấp hơn công suất bình thường, kế toán phải xác định chi phí sản xuất chung cố định phân bổ theo công suất bình thường cho mỗi đơn vị sản phẩm. Phần chi phí dư thừa không được tính vào giá thành sản phẩm mà sẽ được ghi nhận vào giá vốn hàng bán (tài khoản 632).
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán.
- Có TK 154 – Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
- Có TK 627 – Chi phí sản xuất chung.
Các khoản hư hỏng, hao hụt, mất mát của hàng tồn kho sau khi trừ đi phần bồi thường do trách nhiệm cá nhân gây ra:
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán.
- Có TK 152, 153, 156, 138…
Chi phí xây dựng TSCĐ vượt mức bình thường không được tính vào nguyên giá của TSCĐ khi hoàn thành:
- Nợ TK 632 – Giá vốn bán hàng
- Có TK 241 – Xây dựng cơ bản dỡ dang
c) Hạch toán các khoản trích lập hoặc hoàn nhập lại dự phòng giảm giá hàng tồn kho
Nếu số dự phòng phải lập kỳ này lớn hơn số dự phòng đã lập kỳ trước, kế toán cần trích lập bổ sung phần chênh lệch như sau:
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán.
- Có TK 299 – Dự phòng tổn thất tài sản (2294 – Dự phòng giảm giá hàng tồn kho).
Nếu số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập kỳ này nhỏ hơn số dự phòng đã lập kỳ trước, kế toán cần phải hoàn nhập phần chênh lệch:
- Nợ TK 229 – Dự phòng tổn thất tài sản (2294).
- Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.
Khi hàng bán bị trả lại và đưa về nhập kho, ghi nhận giảm giá vốn:
- Nợ TK 156, 155.
- Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.
d) Các hoạt động liên quan đến kinh doanh BĐS đầu tư
Trích khấu hao bất động sản đầu tư cho thuê theo định kỳ:
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán.
- Có TK 214 – Hao mòn TSCĐ.
Các chi phí liên quan đến BĐS đầu tư không đủ điều kiện để đưa vào nguyên giá:
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán.
- Nợ TK 242 – Chi phí trả trước.
- Có TK 111, 112, 152, 153, 334…
Các chi phí liên quan đến việc cho thuê BĐS đầu tư:
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán.
- Có TK 111, 112, 331, 334…
Khi bán, thanh lý BĐS đầu tư, kế toán ghi giảm nguyên giá và giá trị còn lại của BĐS:
- Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (2147 – giá trị hao mòn của BĐS đầu tư).
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (giá trị còn lại của BĐS đầu tư).
- Có TK 217 – Bất động sản đầu tư (nguyên giá của BĐS đầu tư).
Các chi phí phát sinh khi bán, thanh lý BĐS đầu tư:
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán.
- Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có).
- Có TK 111, 112, 331…
đ) Kế toán chi phí trích trước cho giá vốn hàng hóa BĐS đối với doanh nghiệp chủ đầu tư
- Khi trích trước chi phí để tạm tính giá vốn hàng hóa bất động sản đã bán trong kỳ, thực hiện ghi:
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán.
- Có TK 335 – Chi phí phải trả.
- Đối với chi phí đầu tư, xây dựng thực tế phát sinh đã được nghiệm thu và đủ hồ sơ, ghi:
- Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
- Nợ TK 133 – Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ.
- Có các tài khoản liên quan.
- Khi chi phí trích trước có đủ chứng từ chứng minh thực tế phát sinh, ghi giảm chi phí trích trước và giảm chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang:
- Nợ tài khoản 335 – Chi phí phải trả.
- Có tài khoản 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
- Khi dự án bất động sản hoàn thành, quyết toán và ghi giảm số dư khoản chi phí trích trước còn lại:
- Nợ TK 335 – Chi phí phải trả.
- Có TK154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
- Có TK 632 – Giá vốn hàng bán (cho phần chênh lệch giữa chi phí trích trước và chi phí thực tế phát sinh).
e) Chuyển sản phẩm sản xuất thành tài sản cố định
Khi chuyển sản phẩm sản xuất thành tài sản cố định để sử dụng, kế toán thực hiện hạch toán như sau:
- Nợ TK 211 – Tài sản cố định hữu hình.
- Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
g) Nhập kho hàng bán bị trả lại
Khi hàng bán bị trả lại và nhập kho, kế toán thực hiện hạch toán như sau:
- Nợ các TK 155, 156.
- Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.
h) Chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán nhận được sau khi mua hàng:
Nếu áp dụng vào hàng tồn kho chưa xuất bán hoặc đã xuất dùng cho hoạt động đầu tư xây dựng hoặc đã tiêu thụ trong kỳ:
- Nợ TK 111, 112, 331… Số tiền chiết khấu theo hóa đơn.
- Có TK 152, 153, 154, 155, 156… (giá trị chiết khấu, giảm giá của hàng tồn kho chưa xuất bán trong kỳ).
- Có TK 241 – Xây dựng cơ bản dở dang (giá trị chiết khấu, giảm giá của hàng tồn kho đã xuất dùng cho hoạt động đầu tư xây dựng).
- Có TK 632 – Giá vốn hàng bán (giá trị chiết khấu, giảm giá của hàng tồn kho đã tiêu thụ trong kỳ).
k) Kết chuyển giá vốn hàng bán của các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, BĐS đầu tư đã bán trong kỳ để xác định kết quả kinh doanh của kỳ đó
- Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
- Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.
Doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ
a) Đối với doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa thương mại
Đầu kỳ, kết chuyển giá trị của thành phẩm tồn kho đầu kỳ ghi nhận giá vốn:
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán.
- Có TK 156 – Hàng hóa.
Cuối kỳ, xác định và kết chuyển giá vốn của hàng hóa đã xuất bán, được xác định là đã bán:
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán.
- Có TK 611 – Mua hàng (6112).
Cuối kỳ, kết chuyển giá vốn hàng hóa đã xuất bán, được xác định là đã bán để xác định kết quả kinh doanh:
- Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
- Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.
b) Đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất và kinh doanh dịch vụ
Đầu kỳ, kết chuyển giá trị của thành phẩm tồn kho đầu kỳ ghi nhận giá vốn:
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán.
- Có TK 155 – Thành phẩm.
Cuối kỳ, kết chuyển giá vốn của thành phẩm còn tồn kho cuối kỳ:
- Nợ TK155 – Thành phẩm.
- Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.
Đầu kỳ, kết chuyển giá trị của thành phẩm, dịch vụ đã gửi đi bán nhưng chưa được xác định là đã bán:
- Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán.
- Có TK 157 – Hàng gửi đi bán.
Cuối kỳ, xác định giá trị của thành phẩm, dịch vụ đã gửi đi bán nhưng chưa được xác định là đã bán:
- Nợ TK 157 – Hàng gửi đi bán.
- Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.
Giá thành sản phẩm đã hoàn thành nhập kho, dịch vụ đã hoàn thành:
- NợTK 632 – Giá vốn hàng bán.
- Có TK 631 – Giá thành sản xuất.
Cuối kỳ, kết chuyển giá vốn của thành phẩm, dịch vụ đã được xác định đã xuất bán trong kỳ sang tài khoản xác định kết quả kinh doanh:
- Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
- Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.
Xem thêm: Cách hạch toán xác định kết quả kinh doanh– Tài khoản 911
5. Bài tập hạch toán tài khoản 632
Bài tập hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên
Công ty Pilen kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên. Giá trị hàng tồn kho được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền cuối kỳ. Công ty nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ. Tài liệu trong 3 tháng của công ty như sau:
Số dư đầu tháng:
- TK 156: 20.000.000 đồng (5.000 đơn vị hàng A)
- TK 157: 1.000.000 đồng (250 đơn vị hàng A gửi bán cho C)
- TK 131: 15.000.000 đồng (Chi tiết: Công ty X còn nợ 12.000.000 đồng, Công ty Y ứng trước tiền mua hàng 3.000.000 đồng)
Các nghiệp vụ phát sinh trong tháng:
1. Xuất kho 500 đơn vị hàng A để bán cho C với giá chưa có thuế là 1.800 đồng/đơn vị, chịu thuế GTGT 10%. Tiền hàng chưa thu, C đã nhận được hàng.
2. Nhập kho 4.000 đơn vị hàng A mua từ công ty D với giá chưa thuế là 1.500 đồng/đơn vị, thuế GTGT là 10%, tiền hàng chưa thanh toán.
3. Xuất kho 1.200 đơn vị hàng A để bán cho E.
4. Nhập kho 1.500 đơn vị hàng A mua từ công ty F với giá chưa thuế là 1.200 đồng/đơn vị, thuế GTGT là 10%, đã thanh toán bằng tiền gửi ngân hàng.
Hãy trình bày bút toán ghi sổ:
Giá vốn bình quân gia quyền cuối kỳ của hàng Pilen: (20.000.000 + 4.000 x 1.500 + 1.500 x 1.200) / (5.000 + 4.000 + 1.500) = 1.578,95 đồng
- Nghiệp vụ 1 – Xuất kho 500 đơn vị bán cho C:
- Nợ TK 632: 789.475 đồng = 1.578,95 x 500
- Có TK 156: 789.475 đồng
- Nợ TK 131: 1.967.000 đồng
- Có TK 333: 179.700 đồng (Thuế GTGT)
- Có TK 511: 1.787.300 đồng (Tiền hàng chưa thu)
- Nghiệp vụ 2 – Nhập kho 4.000 đơn vị từ công ty D:
- Nợ TK 156: 6.000.000 đồng = 4.000 x 1.500
- Nợ TK 133: 600.000 đồng (Thuế GTGT)
- Có TK 331: 6.600.000 đồng
- Nghiệp vụ 3 – Xuất kho 1.200 đơn vị bán cho E:
- Nợ TK 632: 1.894.740 đồng = 1.578,95 x 1.200
- Có TK 156: 1.894.740 đồng
- Nghiệp vụ 4 – Nhập kho 1.500 đơn vị từ công ty F:
-
- Nợ TK 156: 1.800.000 đồng = 1.500 x 1.200
- Nợ TK 133: 180.000 đồng (Thuế GTGT)
- Có TK 112: 1.980.000 đồng (Thanh toán bằng tiền gửi ngân hàng)
Bài tập hạch toán hàng tồn kho tài khoản 632 theo phương pháp kê khai định kỳ
Công ty Milux áp dụng phương pháp kê khai định kỳ để hạch toán hàng tồn kho và nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ. Trong tháng 1, các nghiệp vụ phát sinh như sau:
Số dư đầu tháng:
- Tồn kho đầu kỳ (TK 156): 30.000.000 đồng (3.000 đơn vị hàng hóa X)
Các nghiệp vụ phát sinh trong tháng:
- Nhập kho 4.000 đơn vị hàng X từ công ty Y với giá mua chưa thuế là 1.500 đồng/đơn vị. Thuế GTGT 10%. Tiền hàng chưa thanh toán.
- Xuất kho 2.500 đơn vị hàng X bán cho khách hàng Z, giá chưa thuế là 2.000 đồng/đơn vị, chịu thuế GTGT 10%. Tiền hàng chưa thu.
- Nhập kho 2.000 đơn vị hàng X từ công ty W với giá mua chưa thuế là 1.800 đồng/đơn vị. Thuế GTGT 10%, thanh toán bằng tiền gửi ngân hàng.
Yêu cầu:
1. Hạch toán các nghiệp vụ phát sinh theo phương pháp kê khai định kỳ.
2. Tính giá vốn hàng bán theo phương pháp kê khai định kỳ (công ty tính giá vốn theo phương pháp bình quân gia quyền cuối kỳ).
Hướng dẫn giải:
1. Tính giá vốn hàng bán (Giá bình quân gia quyền cuối kỳ):
- Giá trị hàng tồn kho đầu kỳ: 30.000.000 đồng / 3.000 đơn vị = 10.000 đồng/đơn vị.
- Giá trị hàng nhập kho:
- Nhập kho từ công ty Y: 4.000 x 1.500 = 6.000.000 đồng.
- Nhập kho từ công ty W: 2.000 x 1.800 = 3.600.000 đồng.
- Tổng giá trị hàng tồn kho cuối kỳ: 30.000.000 + 6.000.000 + 3.600.000 = 39.600.000 đồng.
- Tổng số lượng hàng tồn kho cuối kỳ: 3.000 + 4.000 + 2.000 = 9.000 đơn vị.
- Giá bình quân gia quyền cuối kỳ: 39.600.000 đồng / 9.000 đơn vị = 4.400 đồng/đơn vị.
2. Bút toán hạch toán các nghiệp vụ:
- Nghiệp vụ 1: Nhập kho 4.000 đơn vị từ công ty Y
- Nợ TK 156: 6.000.000 đồng (4.000 x 1.500)
- Nợ TK 133: 600.000 đồng (Thuế GTGT)
- Có TK 331: 6.600.000 đồng (Chưa thanh toán)
- Nghiệp vụ 2: Xuất kho 2.500 đơn vị bán cho khách hàng Z
- Giá vốn hàng bán: 2.500 x 4.400 đồng = 11.000.000 đồng.
- Nợ TK 632: 11.000.000 đồng (Giá vốn hàng bán)
- Có TK 156: 11.000.000 đồng (Xuất kho)
- Nợ TK 131: 2.750.000 đồng (2.500 x 2.000 đồng/đơn vị)
- Có TK 333: 250.000 đồng (Thuế GTGT)
- Có TK 511: 2.500.000 đồng (Tiền hàng chưa thu)
- Nghiệp vụ 3: Nhập kho 2.000 đơn vị từ công ty W
- Nợ TK 156: 3.600.000 đồng (2.000 x 1.800 đồng)
- Nợ TK 133: 360.000 đồng (Thuế GTGT)
- Có TK 112: 3.960.000 đồng (Thanh toán bằng tiền gửi ngân hàng)
Kết quả cuối kỳ:
Tính giá trị hàng tồn kho cuối kỳ:
Sau khi tính toán giá vốn hàng bán theo giá bình quân gia quyền, hàng tồn kho cuối kỳ được xác định như sau:
Tồn kho cuối kỳ: 9.000 đơn vị, giá trị 39.600.000 đồng.
Giá vốn hàng bán:
11.000.000 đồng (giá vốn của 2.500 đơn vị xuất bán).
6. Sơ đồ hạch toán tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán
Dưới đây là 2 sơ đồ hạch toán tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán giúp doanh nghiệp nắm bắt cách ghi nhận chi phí giá vốn một cách rõ ràng và chính xác.
Theo phương pháp kê khai thường xuyên:
Theo phương pháp kiểm kê định kỳ:
7. Công thức tính toán giá vốn hàng bán
Để xác định giá vốn hàng bán chính xác, các doanh nghiệp cần áp dụng các công thức tính toán phù hợp với từng loại hình và đặc thù hoạt động. Dưới đây là công thức và phương pháp tính giá vốn hàng bán chi tiết!
7.1 Công thức tính giá vốn hàng bán
Công thức tính giá vốn hàng bán:
Giá vốn hàng bán = Giá trị hàng tồn kho đầu kỳ + Giá trị hàng mua trong kỳ – Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ.
Chi tiết:
- Giá trị hàng tồn kho đầu kỳ: Đây là giá trị của hàng hóa, sản phẩm tồn kho tại thời điểm bắt đầu kỳ kế toán (có thể là tháng, quý, hoặc năm). Hàng tồn kho đầu kỳ bao gồm cả giá trị của hàng hóa từ kỳ trước chuyển sang, sau khi đã điều chỉnh các khoản hao hụt, giảm giá hoặc các yếu tố khác.
- Giá trị hàng mua trong kỳ: Là tổng giá trị hàng hóa mà doanh nghiệp đã mua trong kỳ (bao gồm chi phí mua hàng như vận chuyển, thuế nhập khẩu, chi phí bốc xếp, và các chi phí khác liên quan đến việc đưa hàng hóa vào kho). Đối với doanh nghiệp sản xuất, phần này sẽ bao gồm cả chi phí nguyên vật liệu trực tiếp.
- Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ: Đây là giá trị của hàng hóa, sản phẩm tồn kho tại thời điểm kết thúc kỳ kế toán. Khi tính giá vốn hàng bán, chỉ các sản phẩm đã được tiêu thụ trong kỳ mới được tính vào giá vốn hàng bán, còn hàng hóa chưa tiêu thụ sẽ không được tính vào giá vốn mà được giữ lại làm hàng tồn kho cho kỳ tiếp theo.
Các giá trị phụ thuộc nhiều vào phương pháp mà doanh nghiệp lựa chọn để xác định giá trị hàng tồn kho. Tùy thuộc vào đặc thù hoạt động và cách tiếp cận riêng, mỗi doanh nghiệp có thể áp dụng các phương pháp tính khác nhau, từ đó tạo ra sự khác biệt trong việc xác định giá trị hàng tồn kho đã bán trong kỳ.
7.2 Phương pháp tính giá vốn hàng bán
Hiện tại, doanh nghiệp có thể áp dụng một trong bốn phương pháp khác nhau để xác định giá vốn hàng bán, gồm: Định giá theo giá đích danh, tính toán dựa trên công thức FIFO, công thức LIFO và phương pháp bình quân gia quyền. Chi tiết từng phương pháp như sau:
Phương pháp FIFO (Nhập trước, xuất trước)
Phương pháp FIFO quy định rằng các sản phẩm được nhập kho đầu tiên sẽ được xuất kho trước. Theo đó, giá trị hàng tồn kho cuối kỳ sẽ dựa trên giá của những sản phẩm được nhập gần cuối kỳ, trong khi giá trị hàng xuất kho được tính theo giá của lô hàng nhập đầu kỳ hoặc gần đầu kỳ.
Phương pháp này đặc biệt phù hợp với các sản phẩm có thời hạn sử dụng như thực phẩm, hoặc các ngành kinh doanh sản phẩm điện tử như cửa hàng điện máy, máy tính, điện thoại. Ngược lại, các cửa hàng tạp hóa thường ít áp dụng phương pháp này do tính chất hàng hóa không yêu cầu kiểm soát chặt về thời gian nhập kho.
Phương pháp LIFO (Nhập sau, xuất trước)
Phương pháp LIFO quy định rằng các sản phẩm được nhập kho sau sẽ được xuất kho trước. Hiện nay, phương pháp này chỉ được chấp nhận tại một số quốc gia như Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế tại Mỹ đã không công nhận phương pháp này, vì cho rằng cách tính này không phản ánh chính xác giá trị thực tế của hàng hóa.
Phương pháp tính giá vốn theo Bình quân gia quyền
Phương pháp Bình quân gia quyền, còn được gọi với các tên khác như Bình quân di động hay Bình quân liên hoàn, hiện là cách tính giá vốn hàng bán phổ biến nhất. Theo phương pháp này, giá trị của từng loại hàng tồn kho được tính dựa trên giá trị trung bình giữa hàng tồn đầu kỳ và lượng hàng mua hoặc sản xuất trong kỳ.
Việc tính toán giá trị trung bình có thể thực hiện theo từng kỳ hoặc sau mỗi lần nhập kho, tùy thuộc vào quy trình quản lý của từng doanh nghiệp.
Công thức tính giá vốn hàng bán theo phương pháp bình quân gia quyền:
MAC = (A + B) / C
Trong đó:
- MAC: Giá vốn sản phẩm tính theo bình quân tức thời.
- A: Giá trị tồn kho trước khi nhập, được tính = Số lượng tồn trước nhập x Giá MAC trước nhập.
- B: Giá trị của lô hàng mới nhập, được tính = Số lượng hàng nhập mới x Giá nhập kho đã bao gồm chi phí phân bổ.
- C: Tổng số lượng hàng tồn, bằng tổng của lượng tồn trước nhập và lượng nhập mới.
Phương pháp xác định giá đích danh
Phương pháp này được áp dụng dựa trên giá trị thực tế của từng lô hàng nhập vào và từng sản phẩm được sản xuất. Vì yêu cầu khả năng nhận diện rõ ràng từng loại hàng hóa, phương pháp này thường chỉ phù hợp với các doanh nghiệp kinh doanh số lượng mặt hàng hạn chế hoặc các sản phẩm có tính ổn định và dễ dàng nhận biết.
Trên đây, đội ngũ AZTAX đã cung cấp những giải đáp chi tiết về tài khoản 632 – Giá vốn bán hàng. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp ích cho các bạn trong công việc kế toán. Nếu cần tư vấn hoặc hỗ trợ, đừng ngần ngại liên hệ với AZTAX qua HOTLINE: 0932.383.089 để được hỗ trợ kịp thời nhé!
8. Các câu hỏi thường gặp hạch toán tài khoản 632
8.1 Cách ghi nhận giá vốn trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu?
Giá vốn hàng nhập khẩu bao gồm giá mua, thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển, bốc xếp và các chi phí liên quan. Tất cả được ghi nhận vào TK 156 trước khi chuyển sang TK 632 khi hàng được xuất bán.
8.2 Tài khoản 632 giá vốn hàng bán bao gồm những gì?
Giá vốn hàng bán bao gồm các chi phí trực tiếp liên quan đến việc sản xuất hàng hóa bán ra, như chi phí nguyên vật liệu và nhân công trực tiếp. Các chi phí gián tiếp như chi phí phân phối, vận chuyển và chi phí cho lực lượng bán hàng không được tính vào giá vốn hàng bán.
8.3 Khi nào ghi nhận giá vốn hàng bán?
Giá vốn hàng bán được ghi nhận đồng thời với thời điểm ghi nhận doanh thu của doanh nghiệp. Chi phí này được ghi nhận khi giao dịch xảy ra hoặc khi có khả năng chắc chắn phát sinh, bất kể tiền đã được chi trả hay chưa.
8.4 Hạch toán TK 632 khi xuất kho nội bộ như thế nào?
Khi xuất kho nội bộ, giá vốn hàng hóa được ghi giảm vào TK 156 (Hàng hóa) hoặc tài khoản tương ứng và tăng vào tài khoản chi phí liên quan (như 627, 641, hoặc 642).
Xem thêm: Cách hạch toán phát hành trái phiếu – Tài khoản 343 theo Thông tư 200
Xem thêm: Hướng dẫn hạch toán phát hành cổ phiếu