Bên cạnh lương, công chức, viên chức tại Việt Nam còn được hưởng nhiều khoản phụ cấp, trong đó có bao gồm phụ cấp ưu đãi nghề. Vậy, thế nào là phụ cấp ưu đãi nghề? Đối tượng nào sẽ được hưởng loại ưu đãi này? Trong bài viết dưới đây, AZTAX sẽ tổng hợp đầy đủ những thông tin cần biết về ưu đãi nghề mà người đọc cần nắm bắt.
1. Phụ cấp ưu đãi nghề là gì?
Theo quy định tại điểm b, khoản 8 Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP, phụ cấp ưu đãi nghề là phụ cấp lương “dành cho những cán bộ, công chức, viên chức làm những nghề hoặc công việc có điều kiện lao động cao hơn bình thường, có chính sách ưu đãi của Nhà nước mà chưa được xác định trong mức lương”.
Cũng theo đó, phụ cấp này có bao gồm 10 mức là: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30%, 35%, 40%, 45% và 50% mức lương hiện hưởng.
Như vậy, phụ cấp ưu đãi nghề được hiểu là phụ cấp dành cho những người có công hoặc đang làm việc trong những ngành thiết yếu như y tế, giáo dục, lực lượng vũ trang, kiểm lâm,… nhằm khuyến khích và động viên họ gắn bó hơn với nghề.
2. Đối tượng nào được hưởng ưu đãi nghề?
Theo quy định tại Điều 2, Nghị định 204/2004/NĐ-CP, đối tượng được hưởng ưu đãi nghề bao gồm:
– Các chức danh lãnh đạo của Nhà nước và các chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toà án, ngành Kiểm sát quy định tại bảng lương chức vụ và bảng phụ cấp chức vụ (ban hành kèm theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11)
– Các chức danh do bầu cử để đảm nhiệm chức vụ theo nhiệm kỳ thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
– Công chức trong các cơ quan nhà nước (tại Điều 2 Nghị định số 117/2003/NĐ-CP)
– Công chức dự bị (tại Nghị định số 115/2003/NĐ-CP)
– Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (tại Điều 2 Nghị định số 116/2003/NĐ-CP)
– Cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế nhà nước và hưởng lương theo bảng lương do Nhà nước quy định được cử đến làm việc tại các hội, tổ chức phi Chính phủ, dự án và cơ quan, tổ chức quốc tế được đặt tại Việt Nam
– Cán bộ chuyên trách và công chức ở xã, phường, thị trấn (tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Nghị định số 121/2003/NĐ-CP và Điều 22 Nghị định số 184/2004/NĐ-CP).
– Người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu.
– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân trong các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang.
Như vậy, người thuộc trong những đối tượng trên đây sẽ được hưởng ưu đãi nghề nghiệp theo quy định của Pháp luật.
Xem thêm: Danh Sách Bệnh Nghề Nghiệp Được Hưởng BHXH Theo Quy Định Năm 2023
3. Mức phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp của công chức, viên chức năm 2023
Tại Điều 2 Nghị định 56/2011/NĐ-CP có quy định về mức phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp của công chức, viên chức như sau:
“2. Phụ cấp ưu đãi theo nghề được tính theo tỷ lệ phần trăm (sau đây viết là %) trên mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của đối tượng được hưởng.”
Như vậy, công thức tính phụ cấp ưu đãi nghề như sau:
Phụ cấp ưu đãi nghề = Hệ số phụ cấp x (Mức lương hiện hưởng + phụ cấp chức vụ lãnh đạo + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có))
Trong đó:
– Hệ số phụ cấp: Bao gồm những mức là 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30%, 35%, 40%, 45% và 50%.
– Mức lương hiện hưởng của công chức, viên chức = Mức lương cơ sở x hệ số (hệ số lương phụ thuộc vào từng chức vụ, ngành nghề, lĩnh vực.
– Phụ cấp chức vụ lãnh đạo (được ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP)
– Phụ cấp thâm niên vượt khung (chỉ áp dụng cho những đối tượng được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP đã ở bậc lương cuối cùng trong ngạch): Mức phụ cấp được hưởng bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng.
Tham khảo thêm về: 06 Chính Sách Mới Về Lao Động, Tiền Lương: Doanh Nghiệp Cần Biết Và Cập Nhật
Trên đây là tổng hợp những thông tin cần biết về phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp. Hy vọng bài viết cung cấp những thông tin hữu ích đến với quý độc giả. Nếu khách hàng còn bất cứ vướng mắc nào liên quan đến phụ cấp nghề nghiệp, hãy liên hệ AZTAX để được tư vấn miễn phí và hỗ trợ kịp thời.