Trong bối cảnh kinh doanh hiện đại, tiền lương luôn là vấn đề được cả người lao động và doanh nghiệp quan tâm. Chính vì vậy, cách tính lương trở thành yếu tố quan trọng trong việc quản lý nhân sự hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều chuyên viên C&B và kế toán hiện nay vẫn chưa nắm vững cách tính lương cũng như các nguyên tắc tính lương hiệu quả. Trong bài viết này, AZTAX sẽ giới thiệu công thức tính lương cơ bản, cùng với các công thức tính tiền lương cho từng trường hợp cụ thể. Hãy cùng AZTAX tìm hiểu nhé!
1. Tiền lương là gì?
Theo Điều 90 Bộ luật Lao động 2019, tiền lương là khoản mà người sử dụng lao động chi trả cho người lao động theo thỏa thuận nhằm thực hiện công việc. Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Mức lương theo công việc hoặc chức danh phải đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu quy định. Người sử dụng lao động cần đảm bảo trả lương công bằng, không phân biệt giới tính cho lao động có giá trị công việc tương đương.
Ý nghĩa của tiền lương
- Ý nghĩa của tiền lương đối với người lao động:
- Giúp người lao động duy trì cuộc sống, chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày và phục vụ các mục tiêu tài chính cá nhân khác.
- Là động lực thúc đẩy trách nhiệm và tinh thần làm việc tích cực.
- Là thước đo giá trị sức lao động và thể hiện năng lực của người lao động.
- Ý nghĩa của tiền lương đối với doanh nghiệp:
- Tiền lương là một phần chi phí doanh nghiệp, cần được tính toán minh bạch và hợp lý.
- Là công cụ để xây dựng và duy trì lực lượng lao động ổn định trong doanh nghiệp.
- Tiền lương còn là phương tiện để giữ chân nhân tài, giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuyển dụng và đào tạo mới.
Những căn cứ để tính lương:
- Hợp đồng lao động
- Bảng chấm công
- Giấy tờ xác nhận hoàn thành công việc, số lượng sản phẩm trong trường hợp tính lương khoán hoặc theo sản phẩm
- Quy chế lương thưởng và chính sách đãi ngộ của doanh nghiệp
- Mức lương tối thiểu vùng
- Tỉ lệ trích, khấu trừ các khoản theo lương
- Mức lương đóng bảo hiểm
Xem thêm: Nghỉ phép có được tính lương không?
2. Cách tính lương nhân viên
Có nhiều cách tính lương trong doanh nghiệp mà nhà quản lý cần phải biết để quản lý nhân sự hiệu quả. Một trong những cách phổ biến là tính lương theo giờ làm việc, trong đó mức lương được xác định dựa trên số giờ mà nhân viên đã làm trong khoảng thời gian cụ thể.
2.1 Cách tính lương theo thời gian
Lương theo giờ là mức tiền trả cho mỗi giờ làm việc. Nếu trong hợp đồng lao động, lương được thỏa thuận theo tháng, tuần, hoặc ngày, có thể tính lương giờ bằng cách chia lương ngày cho số giờ làm việc tiêu chuẩn trong ngày, theo Điều 105 Bộ luật Lao động 2019.
Công thức tính:
Lương tháng = Lương thỏa thuận / Số giờ làm việc trong tháng x Số ngày công thực tế
Công thức tính lương nếu doanh nghiệp cố định số ngày làm việc hàng tháng là 26 ngày:
Lương tháng = Lương thỏa thuận / 26 x Số ngày công thực tế
Khi tính lương thời gian, doanh nghiệp cần tuân thủ Điều 104 Bộ luật Lao động:
- Thời gian làm việc không quá 8 giờ/ngày và 48 giờ/tuần.
- Nếu làm việc theo giờ, ngày hoặc tuần, tổng số giờ không quá 10 giờ/ngày và tối đa 48 giờ/tuần.
- Công việc nặng nhọc, độc hại giới hạn tối đa 6 giờ/ngày.
Ưu nhược điểm của phương pháp tính lương theo thời gian:
- Ưu điểm:
- Dễ tính toán và áp dụng cho cả doanh nghiệp lẫn nhân viên.
- Thu nhập của nhân viên duy trì ổn định, không phụ thuộc vào hiệu suất công việc hay biến động thị trường.
- Nhược điểm:
- Lương cố định không khuyến khích người lao động tăng năng suất, do không gắn liền với hiệu quả làm việc.
- Những nhân viên làm việc kém hiệu quả vẫn nhận mức lương như nhau, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất chung của doanh nghiệp về lâu dài.
Ví dụ:
Anh A có lương 300.000 đồng/ngày, làm 8 giờ/ngày. Lương giờ sẽ là: Lương giờ = 300.000 VND / 8 giờ = 37.500 VND/giờ.
Nếu làm 6 giờ/ngày, lương của anh A sẽ là: Lương ngày = 37.500 VND × 6 giờ = 225.000 VND.
2.2 Cách tính lương theo tháng
Lương theo tháng là khoản thanh toán được thực hiện một lần hoặc hai lần mỗi tháng, tùy theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động. Cả hai bên sẽ thống nhất thời điểm chi trả theo chu kỳ cố định.
Công thức tính lương theo tháng:
Lương tháng = [(Lương cơ bản + Phụ cấp (nếu có)) / 26] × Số ngày làm việc thực tế
Ưu nhược điểm của phương pháp tính lương theo tháng:
- Ưu điểm:
- Việc trả lương theo tháng giúp người lao động dễ dàng lập kế hoạch và quản lý tài chính cá nhân.
- Doanh nghiệp cũng dễ quản lý quỹ lương khi chi trả được tổ chức theo chu kỳ tháng.
- Nhược điểm:
- Tính lương theo tháng có thể không phù hợp trong môi trường làm việc có tính biến động hoặc theo mùa vụ, nơi công việc và nhu cầu thay đổi thường xuyên.
Ví dụ: Một doanh nghiệp quy định làm việc từ thứ Hai đến thứ Sáu, nghỉ cuối tuần. Số ngày công chuẩn là 22 ngày. Nhân viên A thỏa thuận mức lương 10 triệu đồng/tháng, làm từ thứ Hai đến thứ Bảy. Tháng 9/2024 có 30 ngày, trong đó 26 ngày làm việc và 4 ngày Chủ nhật nghỉ. A làm đủ 22 ngày trong tháng.
Lương của A sẽ được tính như sau: 10.000.000 / 26 x 22 = 8.461.538 VND.
Nếu A nghỉ một ngày, lương sẽ bị trừ tương ứng với số ngày nghỉ, giúp việc tính toán lương dễ dàng và minh bạch.
2.3 Cách tính lương theo tuần
Cách tính lương theo tuần thường được doanh nghiệp thực hiện trong chu kỳ 7 ngày. Sau khi hoàn thành một tuần, lương sẽ được chi trả cho người lao động để họ trang trải các chi phí sinh hoạt.
Công thức tính lương theo tuần như sau:
Lương tuần = (Lương tháng x 12 tháng) / 52 tuần
Ưu nhược điểm của phương pháp tính lương theo tuần:
- Ưu điểm:
- Lương có thể được điều chỉnh linh hoạt theo tình hình thực tế hàng tuần.
- Hỗ trợ người lao động tránh tình trạng thiếu hụt tài chính khi chi trả thường xuyên.
- Nhược điểm:
- Tính lương hàng tuần đòi hỏi nhiều thời gian và công sức cho việc quản lý, xử lý dữ liệu.
- Người lao động có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận các phúc lợi chi trả theo tháng.
- Phương pháp này chỉ phù hợp với các công việc ngắn hạn hoặc có thể tổng kết theo tuần.
Ví dụ: Bạn có mức lương tháng là 7.000.000 VNĐ và công ty bạn trả lương theo tuần. Để tính lương tuần, bạn sử dụng công thức sau:
Lương tuần = (7.000.000 VNĐ x 12) / 52 ≈ 1.615.385 VNĐ
Vậy, lương tuần của bạn sẽ là khoảng 1.615.385 VNĐ.
2.4 Cách tính lương theo ngày
Cách tính lương theo ngày thường chỉ phù hợp với một số lĩnh vực nhất định, với việc lương được xác định và trả ngay sau khi hoàn thành công việc.
Công thức trả lương theo ngày:
Lương cho 1 ngày = Lương tuần / Số ngày làm việc trong tuần
Trong đó: Số ngày làm việc hàng tuần sẽ được xác định dựa trên thỏa thuận giữa bạn và doanh nghiệp. Theo “Điều 111 Bộ Luật Lao Động năm 2019”, người lao động có quyền nghỉ ít nhất một ngày liên tục (24 giờ) trong tuần. Thông thường, số ngày làm việc là 6 ngày, nhưng ở những công ty có ngày nghỉ vào thứ 7 và chủ nhật, số ngày làm việc sẽ giảm xuống còn 5 ngày.
Nếu NLĐ và NSDLĐ thỏa thuận trả lương theo ngày sau khi nghiệm thu công việc, thì công thức tính lương theo ngày như sau:
Lương cho 1 ngày = Lương tháng / Số ngày làm việc bình thường trong tháng
Trong đó: Số ngày làm việc trong tháng không cố định, phụ thuộc vào lịch làm việc của từng công ty và quy định pháp luật. Số ngày này thay đổi dựa trên thời gian làm việc thực tế và chế độ nghỉ của doanh nghiệp.
Ưu nhược điểm của phương pháp tính lương theo ngày:
- Ưu điểm:
- Người lao động có thể dễ dàng ước lượng số tiền lương mà họ sẽ nhận được.
- Giúp quản lý quỹ lương trở nên chặt chẽ hơn.
- Nhược điểm:
- Không thể tích hợp với các chế độ phúc lợi như lương tháng.
- Nếu thời gian làm việc thay đổi, việc tính toán lương sẽ trở nên phức tạp hơn.
- Phương pháp này chỉ thích hợp cho những công việc ngắn hạn hoặc có đặc thù theo ngày.
Ví dụ 1: Giả sử bạn làm việc tại một công ty có mức lương tháng là 9.000.000 VND và số ngày làm việc trong tháng là 22 ngày. Vậy, lương cho 1 ngày = 9.000.000 VND / 22 ngày = 409.091 VND/ngày
Ví dụ 2: Nếu bạn làm việc tại một công ty khác có lương tuần là 2.000.000 VNĐ và số ngày làm việc trong tuần là 5 ngày. Vậy, lương cho 1 ngày = 2.000.000 VND / 5 ngày = 400.000 VND/ngày
2.5 Cách tính tiền lương theo sản phẩm
Theo Điều 97 của Bộ luật Lao động 2019, người lao động nhận lương theo sản phẩm sẽ được trả lương theo thỏa thuận ban đầu giữa hai bên. Nếu công việc kéo dài qua nhiều tháng, người lao động sẽ được tạm ứng lương hàng tháng dựa trên khối lượng công việc đã hoàn thành trong tháng đó.
Công thức chung về tính lương theo sản phẩm:
Tiền lương theo sản phẩm = Đơn giá sản phẩm x Số lượng sản phẩm hoàn thành
Trong đó, mỗi phương thức tính lương đều có công thức riêng biệt, cụ thể như sau:
- Cách tính lương theo sản phẩm trực tiếp cá nhân: Lương sản phẩm = Số lượng sản phẩm hoàn thành × Đơn giá sản phẩm
- Trong đó, đơn giá sản phẩm là giá trị tiền cho mỗi đơn vị sản phẩm.
- Cách tính lương theo sản phẩm tập thể: Lương sản phẩm = Số lượng sản phẩm hoàn thành bởi tập thể × Đơn giá sản phẩm
- Cách tính lương theo sản phẩm gián tiếp: Lương sản phẩm = Đơn giá sản phẩm phục vụ × Số lượng sản phẩm mà công nhân đạt được
- Cách tính lương theo sản phẩm có thưởng: Lương sản phẩm = Lương sản phẩm + [(% tiền thưởng so với sản phẩm × Tỷ lệ % hoàn thành vượt mức sản lượng)/100 × Lương sản phẩm]
Ưu nhược điểm của phương pháp tính lương theo sản phẩm:
- Ưu điểm:
- Khuyến khích người lao động làm việc năng suất, cải thiện kỹ năng và tay nghề.
- Dễ dàng quản lý sản lượng sản phẩm hơn so với việc kiểm soát thời gian làm việc.
- Nhược điểm:
- Tạo áp lực về số lượng sản phẩm, nếu định mức không hợp lý, người lao động có thể bị quá tải và chất lượng sản phẩm giảm.
- Người lao động khó duy trì thu nhập ổn định nếu tay nghề không đồng đều.
2.6 Cách tính tiền lương theo doanh thu
Hiện tại, pháp luật chưa có quy định cụ thể về cách tính tiền lương thưởng dựa trên doanh thu, do việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí công việc, chỉ tiêu cá nhân, và tính chất công việc. Mỗi nhân viên trong doanh nghiệp sẽ có phương pháp tính lương thưởng riêng dựa trên đánh giá hiệu quả làm việc.
Một vài cách trả lương theo doanh thu:
- Trả lương thưởng theo doanh số cá nhân
- Trả lương thưởng theo doanh số nhóm
- Những hình thức thưởng kinh doanh khác: phát triển thị trường, công nợ…
Cách tính tiền thưởng dựa trên doanh số:
Lương theo doanh thu = Lương cứng gắn với mức doanh số tối thiểu + Lương thưởng theo tỷ lệ % doanh số
Trong đó: Lương cứng hàng tháng là khoản lương được thỏa thuận từ đầu theo chính sách của công ty.
Ưu nhược điểm của phương pháp tính lương theo doanh thu:
- Ưu điểm:
- Thúc đẩy doanh thu: Nhân viên sẽ có động lực để gia tăng doanh số, từ đó tăng khả năng kiếm tiền.
- Liên kết giữa hiệu suất và thu nhập: Nhân viên sẽ trực tiếp nhận được phần thưởng từ kết quả làm việc của mình, tạo cảm giác công bằng.
- Nhược điểm:
- Rủi ro về chất lượng dịch vụ: Nhân viên có thể quá chú trọng vào việc bán hàng mà không chú ý đến chất lượng phục vụ khách hàng.
- Khó khăn trong việc áp dụng: Mô hình này không dễ dàng thực hiện đối với những công việc không liên quan đến doanh thu cụ thể.
Ví dụ: Chị B là nhân viên kinh doanh tại một công ty với lương cứng hàng tháng là 7 triệu đồng. Theo chính sách của công ty, nếu chị B đạt doanh số tối thiểu là 100 triệu đồng, chị sẽ nhận được thêm 5% hoa hồng trên phần doanh số vượt qua mức tối thiểu đó.
Tháng này, chị B đạt doanh số 150 triệu VND. Lương của chị B sẽ được tính như sau:
- Lương cứng: 7.000.000 VND
- Phần doanh số vượt mức tối thiểu: 150 triệu – 100 triệu = 50 triệu VND
- Tiền thưởng theo doanh số: 50 triệu × 5% = 2.500.000 VND
Tổng lương chị B = Lương cứng + Tiền thưởng theo doanh số = 7.000.000 VND + 2.500.000 VND = 9.500.000 VND
2.7 Cách tính tiền lương khoán
Tiền lương khoán là khoản lương trả cho người lao động theo hình thức khoán, dựa trên khối lượng, chất lượng công việc và thời gian hoàn thành đã thỏa thuận trước.
Công thức tính lương khoán như sau:
Lương khoán = Mức lương khoán × Tỷ lệ % hoàn thành công việc
Ưu nhược điểm của phương pháp tính lương khoán:
- Ưu điểm:
- Khuyến khích nhân viên cải thiện năng suất để đáp ứng các tiêu chí đề ra.
- Những người có hiệu suất làm việc cao sẽ nhận được mức lương tương xứng với nỗ lực của họ.
- Nhược điểm:
- Nếu mức khoán không hợp lý, nó có thể tạo ra áp lực lớn cho nhân viên.
- Việc chỉ khoán theo số lượng tổng thể có thể khiến việc kiểm soát thời gian làm việc và chất lượng công việc trở nên khó khăn.
Ví dụ: Công ty thuê anh A sửa chữa hệ thống điện văn phòng với mức lương khoán 10 triệu VND trong thời gian 5 ngày, yêu cầu đảm bảo an toàn điện. Tỷ lệ % hoàn thành công việc của anh A 90%.
Lương khoán của anh A: Lương khoán = 10.000.000 VND × 90% = 9.000.000 VND.
Trong trường hợp này, anh A sẽ nhận được 9.000.000 VND do chỉ hoàn thành 90% công việc được giao.
Xem thêm: Cách tính lương trong excel
3. Cách tính lương làm thêm giờ
3.1 Cách tính lương làm thêm vào ngày thường
Vào ngày thường, lương làm thêm phải ít nhất bằng 150% mức lương hàng ngày. Để tính lương cho giờ làm thêm, bạn nhân lương giờ theo mức này.
Công thức tính:
Lương làm thêm 1 giờ = (Lương cơ bản ngày x 150%) / 8
Trong đó, “Lương cơ bản ngày” là lương tháng chia cho số ngày làm việc trong tháng, và số 8 đại diện cho số giờ làm việc chuẩn trong một ngày.
Ví dụ: Bạn có mức lương tháng là 8.000.000 VNĐ và bạn làm thêm giờ vào ngày thường.
- Tính lương cơ bản ngày:
- Chia lương tháng cho số ngày làm việc trong tháng. Giả sử tháng có 22 ngày làm việc:
- Lương cơ bản ngày = 8.000.000 VNĐ / 22 ≈ 363.636 VNĐ
- Tính lương làm thêm 1 giờ:
- Nhân lương cơ bản ngày với 150% và chia cho 8 giờ:
- Lương làm thêm 1 giờ = (363.636 VNĐ x 150%) / 8 ≈ 68.182 VNĐ
- Vậy, lương làm thêm cho mỗi giờ vào ngày thường là khoảng 68.182 VNĐ.
3.2 Cách tính lương làm thêm vào ngày chủ nhật
Vào ngày nghỉ hằng tuần, lương làm thêm phải ít nhất gấp đôi mức lương cơ bản. Nếu người lao động làm việc vào chủ nhật, họ sẽ được trả lương làm thêm bằng 200% lương cơ bản ngày.
Công thức tính lương làm thêm vào ngày chủ nhật:
Lương ngày chủ nhật = Lương cơ bản ngày x 200%
Ví dụ về cách tính lương công nhân làm thêm vào ngày chủ nhật: Bạn có mức lương tháng là 8.000.000 VND và bạn làm việc vào chủ nhật.
- Tính lương cơ bản ngày: Nếu tháng có 22 ngày làm việc, thì: Lương cơ bản ngày = 8.000.000 VNĐ / 22 ≈ 363.636 VND
- Tính lương làm thêm vào chủ nhật: Nhân lương cơ bản ngày với 200%: Lương ngày chủ nhật = 363.636 VNĐ x 2 = 727.272 VND
Vậy, lương làm thêm cho một ngày làm việc vào chủ nhật là khoảng 727.272 VND.
3.3 Cách tính lương làm thêm vào ngày lễ, Tết
Vào ngày lễ, Tết hoặc ngày nghỉ có lương, lương làm thêm phải ít nhất gấp 3 lần mức lương cơ bản hàng ngày. Khoản này không bao gồm lương của ngày lễ, Tết đối với người lao động hưởng lương theo ngày.
Công thức tính lương làm thêm ngày lễ, Tết:
Lương làm thêm ngày lễ, Tết = Lương cơ bản ngày x 300%
Ví dụ: Giả sử anh B có mức lương tháng là 6.000.000 VND. Để tính lương làm thêm vào ngày lễ:
- Lương cơ bản hàng ngày = 6.000.000 VND / 26 = 230.769 VND
- Lương làm thêm vào ngày lễ, Tết = 230.769 VNĐ x 300% = 692.307 VNĐ
Nếu anh B làm thêm một ngày vào dịp lễ, Tết, anh sẽ nhận được 692.307 VNĐ.
4. Cách tính lương cho một số trường hợp đặc biệt
Cách tính lương trong một số trường hợp đặc biệt thường đòi hỏi sự linh hoạt và hiểu biết sâu rộng về quy định lao động và chính sách công ty. Trong từng trường hợp tính lương cũng có thể được điều chỉnh để phản ánh sự đòi hỏi và những khó khăn đặc biệt của thời gian làm việc đó.
4.1 Cách tính lương nghỉ phép có lương
Theo Điều 111 Bộ Luật Lao Động, người lao động có ít nhất 12 tháng làm việc liên tục tại một công ty sẽ được nghỉ hàng năm với nguyên lương từ 12 đến 16 ngày. Đối với mỗi 5 năm làm việc tiếp theo, số ngày nghỉ này sẽ tăng thêm 1 ngày, theo Điều 112 Bộ Luật Lao Động. Các bộ phận nhân sự cần theo dõi chính xác ngày nghỉ có lương để tính lương đúng đắn.
Ngoài số ngày nghỉ hàng năm, người lao động còn được nghỉ hưởng nguyên lương vào các ngày sau, theo Điều 115 Bộ Luật Lao Động:
- Tết Dương lịch: 1 ngày (1/1 dương lịch).
- Tết Âm lịch: 5 ngày.
- Ngày Chiến thắng: 1 ngày (30/4 dương lịch).
- Ngày Quốc tế lao động: 1 ngày (1/5 dương lịch).
- Quốc khánh: 2 ngày (2/9 dương lịch và 1 ngày liền kề).
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 1 ngày (10/3 âm lịch).
- Kết hôn: 3 ngày.
- Con đẻ hoặc con nuôi kết hôn: 1 ngày.
- Khi cha mẹ, cha mẹ nuôi hoặc con đẻ, con nuôi qua đời: 3 ngày.
- Lao động nước ngoài tại Việt Nam: thêm 1 ngày Tết cổ truyền và 1 ngày Quốc khánh của nước họ.
4.2 Cách tính lương trong trường hợp nghỉ việc
Hai trường hợp nghỉ việc của NLĐ như sau:
- Nghỉ việc do lỗi của người lao động: Người lao động không được nhận lương còn lại.
- Nghỉ việc do lỗi của doanh nghiệp: Người lao động sẽ được trả lương theo các điều khoản trong hợp đồng.
Khi xảy ra các yếu tố bất khả kháng như thiên tai, thảm họa, dịch bệnh hoặc yêu cầu di dời địa điểm sản xuất, cùng với việc thiếu hụt điện, nước, và nguyên liệu, hai bên sẽ thỏa thuận về cách tính và chi trả lương như sau:
- Trường hợp NLĐ ngừng việc dưới 14 ngày: Họ vẫn sẽ nhận được mức lương tối thiểu ít nhất như đã ghi trong hợp đồng.
- Trường hợp NLĐ ngừng làm việc trên 14 ngày: Mức lương trong thời gian nghỉ sẽ được hai bên thỏa thuận, nhưng phải bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu theo quy định của pháp luật.
4.3 Cách tính lương tháng có 31 ngày
Nếu hợp đồng lao động hoặc quy chế công ty quy định số ngày công chuẩn dựa trên số ngày làm việc trong tháng, thì với tháng có 31 ngày làm việc bình thường từ thứ 2 đến thứ 7, số ngày công chuẩn là 27 ngày. Cách tính lương cho người lao động trong tháng này được thực hiện như sau:
Lương trong tháng 31 ngày = (Mức lương cơ bản / 27) x Số ngày làm việc thực tế + Thưởng – Phạt – Thuế TNCN (nếu có).
Phương pháp này bảo đảm quyền lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động, đồng thời là cách tính công phổ biến hiện nay.
Tương tự, số ngày công chuẩn sẽ thay đổi theo số ngày của tháng:
- Tháng 30 ngày có số ngày công chuẩn là 26 ngày.
- Tháng 28 ngày có số ngày công chuẩn là 24 ngày.
4.4 Cách tính lương tháng 13 cho người lao động
Cách 1: Tính theo tiền lương trung bình
Nếu người lao động đã làm đủ 12 tháng:
Lương tháng 13 = Tiền lương trung bình của 12 tháng
Ví dụ: Nếu lương của Anh A là 15 triệu đồng/tháng trong cả năm 2021, lương tháng 13 của Anh A sẽ là 15 triệu đồng.
Nếu người lao động làm chưa đủ 12 tháng:
Lương tháng 13 = (Số tháng làm việc trong năm / 12) x Tiền lương trung bình
Ví dụ: Nếu Anh A làm việc từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2021 với lương 6 triệu đồng/tháng, thì lương tháng 13 của Anh A sẽ là 1 triệu đồng.
Cách 2: Tính theo lương tháng 12
Nhiều doanh nghiệp thực hiện cách này để đảm bảo quyền lợi cho người lao động:
Lương tháng 13 = Mức lương của tháng 12 liền kề
Ví dụ: Nếu lương tháng 12 là 10.000.000 VND, thì lương tháng 13 cũng sẽ là 10.000.000 VND
5. Những nguyên tắc tính lương trong doanh nghiệp
Trong doanh nghiệp, việc áp dụng những nguyên tắc tính lương đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tính công bằng và động viên cho nhân viên. Một trong những nguyên tắc quan trọng là tính công bằng, nơi mức lương phản ánh đúng giá trị và đóng góp của mỗi nhân viên.
5.1 Kỳ hạn lương
Cách thức nhận lương của bạn phụ thuộc vào hình thức trả lương đã thỏa thuận với công ty.
- Trường hợp trả lương theo giờ, ngày hoặc tuần: Người lao động sẽ nhận lương ngay sau khi hoàn thành công việc hoặc có thể được gộp lại, nhưng không quá 15 ngày.
- Trường hợp trả lương theo tháng: Người lao động sẽ nhận lương hàng tháng hoặc nửa tháng một lần.
- Trường hợp trả lương theo sản phẩm hoặc khoán: Thời gian nhận lương sẽ linh hoạt và tùy thuộc vào thỏa thuận với người sử dụng lao động. Người lao động cũng có thể nhận tạm ứng hàng tháng dựa trên khối lượng công việc đã hoàn thành.
5.2 Nguyên tắc trả lương
Theo Điều 94 Bộ luật Lao động 2019, các nguyên tắc trả lương được quy định như sau:
- Người lao động có quyền nhận lương một cách đầy đủ và đúng hạn, cho dù phương thức thanh toán là tiền mặt, chuyển khoản ngân hàng, hay thông qua bên thứ ba.
- Người sử dụng lao động không được phép can thiệp vào quyền quyết định của người lao động trong việc chi tiêu lương. Họ cũng không thể yêu cầu người lao động phải sử dụng tiền lương cho việc mua sắm hàng hóa hoặc dịch vụ mà họ hoặc bên thứ ba chỉ định.
- Trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng, nếu người sử dụng lao động đã nỗ lực hết sức nhưng vẫn không thể trả lương đúng hạn theo thỏa thuận, thì họ không được phép chậm trả quá 1 tháng:
- Nếu thời gian chậm lương dưới 15 ngày, sẽ không cần phải bồi thường thêm.
- Nếu chậm lương trên 15 ngày, người sử dụng lao động phải thanh toán thêm một khoản tương đương với số tiền chậm trả, tính theo lãi suất tối đa huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thanh toán lương.
- Nếu không có quy định về lãi suất tối đa từ Ngân hàng Nhà nước, thì lãi suất này sẽ được xác định theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng của ngân hàng thương mại mà doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm thanh toán.
- Mỗi doanh nghiệp có thể áp dụng các phương pháp tính lương khác nhau cho từng vị trí nhằm đảm bảo sự công bằng và hợp lý cho người lao động.
6. Cách làm bảng tính lương trong excel
Bước 1: Xác định bố cục bảng lương
Thông tin doanh nghiệp: Ghi rõ tên, địa chỉ hoặc chi nhánh ở góc trên.
Tiêu đề: “Bảng thanh toán tiền lương” đặt giữa bảng, viết hoa để nổi bật.
Mẫu bảng: Sử dụng Textbox để giữ bảng ổn định khi di chuyển. Vào Insert và chọn Textbox.
Thời gian lập bảng: Ghi rõ tháng và năm để dễ dàng theo dõi và so sánh.
Nội dung bảng lương: Bao gồm thông tin cá nhân, bảng chấm công, phụ cấp, thưởng, tạm ứng, và các khoản trích theo lương.
Số tiền bằng chữ: Để xác nhận tổng số tiền chính xác.
Chữ ký: Ký xác nhận của người lập bảng, kế toán trưởng, và giám đốc để đảm bảo tính chính xác và pháp lý.
Bước 2: Tham chiếu thông tin người lao động
Thông tin cần tham chiếu: Bậc lương và hệ số lương từ danh sách nhân viên hoặc hợp đồng lao động.
Sử dụng hàm Vlookup:
- Lookup_value: Họ tên nhân viên từ cột B.
- Table_array: Bảng danh sách nhân viên với cột bậc lương và hệ số lương.
- Col_index_num: Vị trí cột chứa bậc lương và hệ số lương.
- Yếu tố cuối cùng: Sử dụng số 0 để tìm kiếm chính xác theo tên.
Bước 3: Tham chiếu thông tin từ bảng chấm công
Sử dụng hàm Vlookup để lấy thông tin số công thực tế:
- Lookup_value: Họ tên nhân viên từ cột B.
- Table_array: Bảng chấm công với cột Họ tên nhân viên.
- Col_index_num: Cột chứa số công hoặc sản phẩm hoàn thành.
- Yếu tố cuối cùng: Dùng số 0 để tìm kiếm chính xác theo tên.
Bước 4: Xác định các khoản tạm ứng
Theo dõi tạm ứng: Số tiền tạm ứng được ghi trong bảng theo dõi.
Sử dụng hàm Vlookup:
- Lookup_value: Họ tên nhân viên từ cột B.
- Table_array: Bảng theo dõi tạm ứng với cột Họ tên nhân viên.
- Col_index_num: Cột chứa số tiền tạm ứng.
- Yếu tố cuối cùng: Sử dụng số 0 để tìm kiếm chính xác theo tên.
Bước 5: Tính các khoản trích theo lương
- Bảo hiểm: Xác định mức đóng theo tỷ lệ mới nhất về BHXH.
- Thuế TNCN: Căn cứ vào biểu thuế lũy tiến, tính thu nhập chịu thuế, và các khoản giảm trừ để xác định thuế TNCN phải nộp.
Bước 6: Xác định số tiền thực lĩnh
Công thức tính:
Số tiền thực lĩnh = Tổng thu nhập – Số đã tạm ứng lương kỳ I – Các khoản trích theo lương
Điều này giúp bảo vệ quyền lợi của cả hai bên và đảm bảo tính công bằng trong việc xử lý các tình huống khẩn cấp và bất khả kháng.
Trên đây AZTAX đã cung cấp cách tính lương nhân viên cụ thể cho doanh nghiệp cần có thể tham khảo. Hy vọng bài viết sẽ giúp người sử dụng lao động và người động có thể hiểu được công thức tính lương cơ bản trên để tính lương trong doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể tham khảo dịch vụ tính lương do AZTAX cung cấp.