Bài tập thuế xuất nhập khẩu là một phần quan trọng trong quá trình học và thực hành kế toán xuất nhập khẩu. Việc nắm vững các bài tập này giúp các chuyên viên, kế toán viên hiểu rõ cách tính toán thuế, áp dụng các quy định pháp lý, và đảm bảo hạch toán chính xác cho doanh nghiệp. Hãy cùng AZTAX tìm hiểu về các dạng bài tập thuế xuất nhập khẩu phổ biến và cách giải quyết chúng hiệu quả trong bài viết dưới đây.
1. Thuế xuất nhập khẩu là gì?
Thuế xuất nhập khẩu là khoản thuế đánh vào hàng hóa khi thực hiện hoạt động nhập khẩu vào hoặc xuất khẩu ra khỏi lãnh thổ quốc gia. Loại thuế này nhằm mục tiêu điều chỉnh hoạt động thương mại, bảo vệ sản xuất nội địa và góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Các loại thuế chủ yếu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gồm có:
- Thuế xuất khẩu (TXK): Áp dụng đối với hàng hóa được xuất ra nước ngoài, nhằm mục đích hạn chế việc xuất khẩu các nguồn tài nguyên quý giá hoặc bảo vệ những ngành sản xuất cần ưu tiên trong nước.
- Thuế nhập khẩu (TNK): Được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ quốc gia, nhằm bảo vệ sản xuất nội địa trước sức ép cạnh tranh từ hàng hóa ngoại nhập và góp phần điều chỉnh cán cân thương mại.
- Thuế bổ sung: Ngoài thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu, tổng số thuế phải nộp đối với một lô hàng xuất nhập khẩu còn có thể bao gồm các loại thuế khác như thuế bảo hộ/chống bán phá giá (TBH), thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), hoặc thuế bảo vệ môi trường (TBVMT) đối với các sản phẩm có nguy cơ gây hại cho sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Một số cụm từ viết tắt thường gặp:
- Trị giá tính thuế: TGTT
- Trị giá tính thuế nhập khẩu: TGTTNK
- Thuế suất: TS
2. Cách tính các loại thuế nhập khẩu, xuất khẩu

Khi tiến hành tính thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, cần thực hiện tuần tự theo các bước sau để đảm bảo độ chính xác. Thuế suất của từng mặt hàng sẽ được tra cứu từ biểu thuế xuất nhập khẩu hiện hành.
- Thuế nhập khẩu/thuế xuất khẩu:
Công thức: TNK/TXK = TGTT × TS - Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với hàng nhập khẩu:
Công thức: TTĐB = (TNK + TGTTNK) × TS.TTĐB
- Thuế bảo hộ/chống bán phá giá (TBH):
Công thức: TBH = TGTTNK × TS.TBH
- Thuế bảo vệ môi trường (TBVMT):
Công thức: TBVMT = TGTT × TS.TBVMT
- Thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hàng nhập khẩu:
Công thức: VAT = (TGTTNK + TNK + TTĐB + TBH + TBVMT) × TS.VAT
3. Bài tập tính thuế nhập khẩu thực tế kèm lời giải chi tiết

3.1 Bài tập tính thuế phải nộp tại khâu nhập khẩu
Công ty Sơn Hà nhập khẩu 500 cây thuốc lá Cigar La Habana từ Cuba với giá CIF 100 USD/cây. Tỷ giá ngoại tệ tại thời điểm nhập khẩu là 1 USD = 23.330 VNĐ.
Bước 1: Tính trị giá CIF của lô hàng
Trị giá CIF = 100 USD × 500 cây = 50.000 USD
Bước 2: Tính thuế nhập khẩu
Thuế nhập khẩu = Trị giá CIF × Thuế suất nhập khẩu
Thuế nhập khẩu = 50.000 USD × 40% = 20.000 USD
Bước 3: Tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTTĐB)
Theo quy định, mặt hàng thuốc lá nhập khẩu chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Công thức tính như sau:
Thuế TTTĐB = (Trị giá CIF + Thuế nhập khẩu) × Thuế suất TTTĐB
Thuế TTTĐB = (50.000 USD + 20.000 USD) × 70% = 49.000 USD
Bước 4: Tính thuế giá trị gia tăng (VAT)
Thuế VAT được tính trên tổng trị giá CIF cộng với thuế nhập khẩu và thuế TTTĐB:
Thuế VAT = (Trị giá CIF + Thuế nhập khẩu + Thuế TTTĐB) × Thuế suất VAT
Thuế VAT = (50.000 USD + 20.000 USD + 49.000 USD) × 10%
Thuế VAT = 119.000 USD × 10% = 11.900 USD
Bước 5: Tổng số tiền thuế công ty Sơn Hà phải nộp tại khâu nhập khẩu
Tổng thuế = Thuế nhập khẩu + Thuế TTTĐB + Thuế VAT
Tổng thuế = 20.000 USD + 49.000 USD + 11.900 USD = 80.900 USD
3.2 Bài tập tính thuế nhập khẩu khi có C/O và khi không có ℅
Thông tin lô hàng:
- Trị giá hóa đơn thương mại (Commercial Invoice) theo điều kiện Incoterm FOB: 22,765 USD
- Cước vận chuyển quốc tế: 51,781,500 VND
- Tỷ giá hối đoái áp dụng: 23,070 VND/USD
Yêu cầu:
Tính tổng số thuế phải nộp đối với lô hàng trong 2 tình huống sau:
- Tình huống 1: Không có C/O form E
- Tình huống 2: Có C/O form E
Dữ liệu bổ sung:
- Mã HS CODE: 76169990
- Thuế suất VAT: 10%
Lời giải:
Bước 1: Xác định trị giá tính thuế
- Trị giá FOB quy đổi: 22,765 × 23,070 = 525,156,550 VND
- Cộng thêm cước vận chuyển quốc tế: 525,156,550 + 51,781,500 = 576,938,050 VND
⇒ Trị giá tính thuế (CIF): 576,938,050 VND
Tình huống 1: Không có C/O form E
- Theo biểu thuế xuất nhập khẩu, thuế suất nhập khẩu cho mã HS 76169990 là 25%.
Bước 1: Tính thuế nhập khẩu
- Thuế nhập khẩu = Trị giá CIF × Thuế suất nhập khẩu
Thuế nhập khẩu = 576,938,050 × 25% = 144,234,512.5 VND
Bước 2: Tính thuế giá trị gia tăng (VAT)
- Thuế VAT = (Trị giá CIF + Thuế nhập khẩu) × Thuế suất VAT
Thuế VAT = (576,938,050 VND + 144,234,512.5 VND)×10% = 72,117,256.25 VND
Tổng thuế phải nộp ở trường hợp 1 là:
- Tổng thuế = Thuế nhập khẩu + Thuế VAT
Tổng thuế = 144,234,512.5 + 72,117,256.25 = 216,351,768.75 VND
Tình huống 2: Có C/O form E
- Khi có C/O form E, lô hàng được áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt, thông thường là 5% cho mã HS 76169990.
Bước 1: Tính thuế nhập khẩu
- Thuế nhập khẩu = Trị giá CIF × Thuế suất ưu đãi
Thuế nhập khẩu = 576,938,050 × 5% = 28,846,902.5 VND
Bước 2: Tính thuế giá trị gia tăng (VAT)
- Thuế VAT = (Trị giá CIF + Thuế nhập khẩu) × Thuế suất VAT
Thuế VAT = (576,938,050 + 28,846,902.5 ) × 10% = 60,578,495.25 VND
Bước 3: Tổng thuế phải nộp
- Tổng thuế = Thuế nhập khẩu + Thuế VAT
Tổng thuế = 28,846,902.5 + 60,578,495.25 = 89,425,397.75 VND
Như vậy, tổng số tiền thuế phải nộp ở khâu nhập khẩu:
Trường hợp 1 (không có C/O form E): 216,351,768.75 VND
Trường hợp 2 (có C/O form E): 89,425,397.75 VND
4. Giải bài tập thuế xuất nhập khẩu theo phương pháp tính thuế tỷ lệ phần trăm
Trong các dạng bài tập về thuế xuất nhập khẩu, phương pháp tính thuế dựa trên tỷ lệ phần trăm là hình thức được áp dụng phổ biến nhất. Phương pháp này xác định số thuế phải nộp bằng cách lấy một tỷ lệ phần trăm cố định nhân với trị giá tính thuế của hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu.

Công thức tính thuế xuất nhập khẩu theo tỷ lệ phần trăm
Khi giải bài tập bằng phương pháp này, bạn cần xác định chính xác trị giá tính thuế của từng mặt hàng và mức thuế suất (dưới dạng phần trăm) áp dụng tại thời điểm tính thuế. Công thức cụ thể như sau:
Số thuế xuất nhập khẩu phải nộp = Trị giá tính thuế × Thuế suất xuất/nhập khẩu
Trong đó:
Trị giá tính thuế | = | Trị giá tính thuế tính trên một đơn vị hàng hóa | x | Số lượng đơn vị từng mặt hàng thực tế xuất/nhập khẩu |
Ví dụ và hướng dẫn giải bài tập thuế xuất nhập khẩu theo phương pháp tính thuế tỷ lệ phần trăm
Để hiểu sâu hơn về cách tính thuế xuất nhập khẩu và rèn luyện kỹ năng áp dụng trong thực tiễn, hãy cùng giải bài tập minh họa sau:
Đề bài:
Công ty A tiến hành nhập khẩu một lô vải từ nước B với các thông tin chi tiết như sau:
- Khối lượng hàng nhập khẩu: 1.000 mét vải
- Đơn giá CIF (đã bao gồm chi phí vận chuyển và bảo hiểm): 10 USD/mét
- Thuế suất thuế nhập khẩu: 12%
- Thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT): 10%
- Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt: không áp dụng
- Tỷ giá hối đoái: 24.000 VND/USD
Yêu cầu:
- Xác định trị giá tính thuế của lô hàng nhập khẩu.
- Tính số thuế nhập khẩu phải nộp.
- Tính số thuế giá trị gia tăng (VAT) phải nộp.
Hướng dẫn giải:
Bước 1: Xác định trị giá tính thuế (CIF) của lô hàng
Áp dụng công thức:
Trị giá tính thuế (CIF) = Số lượng hàng hóa × Đơn giá CIF
Tính toán:
Trị giá tính thuế (USD) = 1.000 × 10 = 10.000 USD
Trị giá tính thuế (VND) = 10.000 × 24.000 = 240.000.000 VND
Bước 2: Tính số thuế nhập khẩu phải nộp
Sử dụng công thức:
Thuế nhập khẩu = Trị giá tính thuế (VND) × Thuế suất thuế nhập khẩu
Tính toán:
Thuế nhập khẩu = 240.000.000 × 12% = 28.800.000 VND
Bước 3: Tính số thuế giá trị gia tăng (VAT) phải nộp
Công thức tính:
Thuế GTGT = (Trị giá tính thuế (CIF) + Thuế nhập khẩu) × Thuế suất VAT
Tính toán:
Thuế GTGT = (240.000.000 + 28.800.000) × 10% = 26.880.000 VND
Kết quả cuối cùng:
- Trị giá tính thuế: 240.000.000 VND
- Thuế nhập khẩu phải nộp: 28.800.000 VND
- Thuế giá trị gia tăng phải nộp: 26.880.000 VND
Những lưu ý khi giải bài tập thuế xuất nhập khẩu theo phương pháp tỷ lệ phần trăm
Bài tập liên quan đến thuế xuất nhập khẩu là một dạng phổ biến và được đánh giá là “dễ ăn điểm” trong các kỳ thi đại lý thuế. Tuy nhiên, để đảm bảo đạt điểm tối đa ở phần này, bạn cần ghi nhớ một số lưu ý quan trọng sau:
Về trị giá tính thuế trong bài tập thuế xuất nhập khẩu
Bạn cần nắm vững các quy định về xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, cụ thể theo Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính. Cụ thể:
- Đối với hàng hóa xuất khẩu: Trị giá tính thuế là giá bán của hàng hóa tại cửa khẩu xuất, chưa bao gồm phí bảo hiểm quốc tế (Insurance – I) và phí vận tải quốc tế (Freight – F). Trị giá này còn được gọi là giá FOB.
- Đối với hàng hóa nhập khẩu: Nếu sử dụng giá FOB làm căn cứ, trị giá tính thuế sẽ được xác định theo công thức: Trị giá tính thuế = Giá FOB + Phí bảo hiểm quốc tế (I) + Phí vận tải quốc tế (F)
Trường hợp áp dụng giá CIF (giá đã bao gồm phí vận chuyển quốc tế và phí bảo hiểm quốc tế), thì: Trị giá tính thuế = Giá CIF
Ví dụ:
Công ty B nhập khẩu một lô rượu từ nước C về Việt Nam với các thông tin như sau:
- Số lượng hàng hóa nhập khẩu: 5.000 chai rượu
- Đơn giá FOB (giá tại cảng xuất, chưa bao gồm phí vận chuyển và bảo hiểm): 20 USD/chai
- Phí vận chuyển quốc tế (từ nước C về Việt Nam): 8.000 USD
- Phí bảo hiểm: 2.000 USD
- Phí lưu kho tại cảng Việt Nam: 5.000.000 VND
- Chiết khấu: 5% trên tổng giá trị FOB
- Thuế suất thuế nhập khẩu: 20%
- Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB): 50%
- Thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT): 10%
- Tỷ giá quy đổi: 24.000 VND/USD
Yêu cầu:
- Tính trị giá tính thuế của lô hàng nhập khẩu (CIF).
- Tính số thuế nhập khẩu phải nộp.
Hướng dẫn giải:
Bước 1: Tính trị giá tính thuế của lô hàng (CIF)
- Tính giá trị FOB trước khi chiết khấu: Giá trị FOB= 5.000 × 20 = 100.000 USD
- Tính giá FOB sau khi áp dụng chiết khấu 5%: FOB sau chiết khấu = 100.000 × (1−5%) = 95.000 USD
- Tính trị giá CIF: FOB sau chiết khấu + phí vận chuyển + phí bảo hiểm = 95.000 + 8.000 + 2.000 = 105.000 USD
- Quy đổi trị giá CIF sang VND: Trị giá CIF sang = 105.000 × 24.000 =2.520.000.000 VND
Bước 2: Tính số thuế nhập khẩu phải nộp
- Áp dụng công thức tính thuế nhập khẩu: Số thuế nhập khẩu = Trị giá CIF × Thuế suất thuế nhập khẩu = 2.520.000.000 × 20% = 504.000.000 VND
Kết quả:
- Trị giá tính thuế (CIF): 2.520.000.000 VND
- Thuế nhập khẩu phải nộp: 504.000.000 VND
Về thuế suất đối với hàng hóa xuất nhập khẩu
Để tính toán thuế xuất nhập khẩu một cách chính xác trong các bài tập, việc hiểu rõ các quy định về thuế suất áp dụng cho từng loại hàng hóa là rất quan trọng. Các quy định này được cụ thể hóa trong Thông tư 182/2015/TT-BTC ngày 16/11/2015 của Bộ Tài chính và Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi được quy định trong Phụ lục II của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016, trong đó liệt kê danh mục các mặt hàng chịu thuế.
5. Giải bài tập về thuế xuất nhập khẩu theo phương pháp “Tính thuế theo tỷ lệ tuyệt đối”
Phương pháp tính thuế xuất nhập khẩu theo tỷ lệ tuyệt đối là một phương pháp đơn giản và dễ dàng thực hiện, vì mức thuế đã được xác định trước cho mỗi đơn vị hàng hóa. Điều này giúp loại bỏ việc phải tính toán trị giá tính thuế như trong phương pháp tính theo tỷ lệ phần trăm (CIF, FOB).
Phương pháp này không bị ảnh hưởng bởi những biến động của thị trường hay giá trị hàng hóa, vì số thuế phải nộp không phụ thuộc vào giá trị hàng hóa và phù hợp với các sản phẩm đồng nhất. Tuy nhiên, đối với những mặt hàng có giá trị cao hoặc đa dạng về chất lượng, phương pháp này có thể không công bằng. Chẳng hạn, những sản phẩm có giá trị cao nhưng cùng khối lượng với những sản phẩm có giá trị thấp sẽ bị áp mức thuế giống nhau.

Công thức giải bài tập thuế xuất nhập khẩu theo phương pháp tính thuế theo tỷ lệ tuyệt đối sẽ được áp dụng như sau:
Số thuế phải nộp | = | Số lượng hàng hóa | x | Mức thuế cố định trên một đơn vị |
Ví dụ: Công ty C thực hiện nhập khẩu một lô hàng gạo từ quốc gia D vào Việt Nam, với thông tin như sau:
- Giá trị lô hàng gạo (chưa tính thuế) là 50.000.000 VND.
- Số lượng gạo nhập khẩu: 10.000 kg.
- Mức thuế nhập khẩu theo tỷ lệ cố định: 500 VND/kg.
- Thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT): 5%.
Yêu cầu:
- Tính số thuế nhập khẩu phải nộp.
- Tính số thuế giá trị gia tăng (VAT) phải nộp.
- Tính tổng số thuế phải nộp cho lô hàng này.
Gợi ý cách tính:
- Tính số thuế nhập khẩu phải nộp:
Số thuế nhập khẩu = Số lượng hàng hóa x Mức thuế cố định
= 10.000 kg x 500 VND/kg = 5.000.000 VND. - Tính số thuế GTGT phải nộp:
Số thuế VAT = (Giá trị hàng hóa + Số thuế nhập khẩu) x Thuế suất VAT
= (50.000.000 + 5.000.000) x 5% = 2.750.000 VND. - Tổng số thuế phải nộp:
Tổng thuế phải nộp = Số thuế nhập khẩu + Số thuế VAT
= 5.000.000 VND + 2.750.000 VND = 7.750.000 VND.
Khi giải các bài tập về thuế xuất nhập khẩu theo phương pháp tính thuế theo tỷ lệ tuyệt đối, bạn cần lưu ý một số điểm để tránh mất điểm không đáng có. Phương pháp này thường xuất hiện trong đề thi và dễ đạt điểm cao. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chính xác trong bài làm, bạn nên thường xuyên cập nhật các quy định pháp lý liên quan đến mức thuế cố định theo tỷ lệ tuyệt đối.
Những quy định này có thể được tìm thấy trong các văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành, như Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 06/04/2016, quy định về các nguyên tắc cơ bản trong thuế xuất nhập khẩu, bao gồm việc áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và tỷ lệ tuyệt đối. Ngoài ra, Nghị định 125/2017/NĐ-CP cũng quy định chi tiết về Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi cho từng loại hàng hóa, trong đó có các mức thuế tuyệt đối áp dụng cho một số sản phẩm đặc biệt, chẳng hạn như xăng dầu, ô tô, và các mặt hàng tiêu dùng đặc thù.
6. Giải bài tập về thuế xuất nhập khẩu theo phương pháp “Tính thuế hỗn hợp”
Ngoài hai phương pháp phổ biến là tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và tính thuế theo tỷ lệ tuyệt đối, bài tập về thuế xuất nhập khẩu còn có thể được giải theo phương pháp tính thuế hỗn hợp. Phương pháp này kết hợp cả hai phương pháp trên, tức là áp dụng đồng thời phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và phương pháp tính thuế tuyệt đối.

Cụ thể:
Công thức giải bài tập về thuế xuất nhập khẩu theo phương pháp tính thuế hỗn hợp
Để giải bài tập theo phương pháp tính thuế hỗn hợp, ta áp dụng công thức sau:
Trường hợp 1: Cộng cả hai loại thuế.
Thuế phải nộp | = | Thuế theo phần trăm | + | Thuế tuyệt đối |
Trường hợp 2: Áp dụng mức thuế cao hơn giữa thuế theo tỷ lệ phần trăm và thuế theo tỷ lệ tuyệt đối:
Công thức tính thuế phải nộp:
Thuế phải nộp = max (thuế phần trăm, thuế tuyệt đối)
Ví dụ và hướng dẫn giải bài tập về thuế xuất nhập khẩu theo phương pháp tính thuế hỗn hợp
Để hiểu rõ lý thuyết và áp dụng thành thạo khi giải bài tập, bạn có thể tham khảo ví dụ dưới đây:
Ví dụ:
Công ty B nhập khẩu 500 chiếc ô tô từ Đức. Thông tin về lô hàng và mức thuế như sau:
– Trị giá tính thuế của lô hàng là 10.000.000 USD (theo CIF).
– Thuế nhập khẩu theo tỷ lệ phần trăm là 30%.
– Thuế nhập khẩu theo tỷ lệ tuyệt đối là 5.000 USD/chiếc.
– Thuế giá trị gia tăng (VAT) là 10%.
Yêu cầu:
- Tính thuế nhập khẩu phải nộp theo phương pháp hỗn hợp (giả sử áp dụng mức thuế cao hơn).
- Tính số thuế giá trị gia tăng (VAT).
- Tổng số thuế phải nộp.
Gợi ý lời giải:
- Tính thuế theo tỷ lệ phần trăm:
Thuế phần trăm = trị giá CIF x thuế suất theo % = 10.000.000 x 30% = 3.000.000 USD - Tính thuế theo tỷ lệ tuyệt đối:
Thuế tuyệt đối = 500 x 5.000 = 2.500.000 USD - Áp dụng mức thuế cao hơn:
Thuế nhập khẩu phải nộp = max (thuế %, thuế tuyệt đối) = 3.000.000 USD - Tính thuế GTGT phải nộp:
Số thuế VAT = (trị giá CIF + thuế nhập khẩu) x thuế suất VAT = (10.000.000 + 3.000.000) x 10% = 1.300.000 USD - Tổng số thuế phải nộp:
Tổng số thuế phải nộp = thuế nhập khẩu + thuế VAT = 3.000.000 + 1.300.000 = 4.300.000 USD
Lưu ý khi giải bài tập về thuế xuất nhập khẩu theo phương pháp tính thuế hỗn hợp:
Để tránh mất điểm khi làm bài tập về thuế xuất nhập khẩu theo phương pháp tính thuế hỗn hợp, bạn cần chú ý xác định rõ phương pháp áp dụng và đơn vị tính thuế chính xác. Đồng thời, hãy nắm vững cách tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và thuế tuyệt đối.
7. Tổng hợp bài tập về thuế xuất nhập khẩu thường gặp trong đề thi Đại lý thuế

Bài tập 1:
Theo thông tin từ công ty Thời Đại, trong tháng 10/20XX, tình hình mua vào và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ như sau:
- Tình hình hàng hoá, dịch vụ nhập vào trong tháng:
- Nhập khẩu 5.000 hộp bánh quy với giá CIF quy đổi ra tiền Việt là 200.000 đồng/hộp.
- Mua 50 tấn cà phê tươi từ nông dân, có bảng kê mua hàng, với giá mua là 35.000 đồng/kg.
- Nhập khẩu 2 chiếc ô tô 5 chỗ phục vụ cho hoạt động của công ty, giá CIF mỗi xe là 800 triệu đồng.
- Mua 2.000 thùng bia từ công ty Bình Minh, có hoá đơn GTGT, với giá chưa thuế GTGT là 340.000 đồng/thùng.
- Mua các hàng hoá, dịch vụ khác có hoá đơn GTGT, với tổng giá trị chưa thuế GTGT là 200.000.000 đồng.
- Tình hình tiêu thụ trong tháng:
- Xuất khẩu 1.000 thùng bia với giá FOB quy đổi ra tiền Việt là 370.000 đồng/thùng.
- Bán 500 thùng bia trong nước với giá bán chưa thuế GTGT là 360.000 đồng/thùng.
- Xuất khẩu 20 tấn cà phê tươi với giá FOB quy đổi ra tiền Việt là 47.000 đồng/kg.
- Công ty sử dụng 30 tấn cà phê tươi còn lại để sản xuất cà phê hoà tan và đóng gói thành hộp. Trong tháng, công ty đã bán được 10.000 hộp trong nước với giá bán chưa thuế GTGT là 65.000 đồng/hộp.
- Bán 3.000 hộp bánh quy cho hệ thống siêu thị, với giá bán chưa thuế GTGT là 480.000 đồng/hộp.
Yêu cầu: Tính toán thuế xuất nhập khẩu, thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế Giá trị gia tăng (GTGT) mà công ty Thời Đại phải nộp trong tháng 10/20XX.
Thông tin bổ sung:
- Thuế GTGT còn được khấu trừ từ kỳ tháng 9/20XX chuyển sang là 50.000.000 đồng.
- Thuế suất thuế nhập khẩu:
- Ô tô 5 chỗ ngồi: 50%
- Bánh quy: 20%
- Thuế suất thuế GTGT cho các mặt hàng: 10% (bao gồm bánh quy, cà phê hoà tan, bia và các hàng hoá, dịch vụ khác).
- Thuế suất thuế TTĐB:
- Ô tô 5 chỗ ngồi: 60%
- Bia: 65%
- Thuế suất thuế xuất khẩu:
- Bia: 2%
- Cà phê: 0%
- Công ty đã hoàn tất việc nộp đủ thuế ở khâu xuất nhập khẩu.
- Công ty hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp nhập trước xuất trước, và áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ với kỳ kê khai thuế GTGT hàng tháng.
- Tất cả các giao dịch mua vào đều có chứng từ thanh toán qua ngân hàn
Bài tập 2:
Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh rượu, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, trong kỳ tính thuế có các tình huống và số liệu như sau:
- Tình hình sản xuất, nhập khẩu và nhập kho sản phẩm trong kỳ:
- Nhập khẩu 6.000 chai rượu, giá tính thuế nhập khẩu là 250.000 đồng/chai. Trong quá trình vận chuyển và bốc xếp tại cửa khẩu, 750 chai rượu bị rơi và vỡ hoàn toàn. Số còn lại đã hoàn tất thủ tục hải quan, nộp thuế và được vận chuyển về kho của doanh nghiệp.
- Mua 10.000 lít rượu trắng từ doanh nghiệp sản xuất rượu X, giá mua chưa bao gồm thuế GTGT là 59.400 đồng/lít. Doanh nghiệp đã sử dụng 8.000 lít rượu này để sản xuất 32.000 chai rượu màu Hương Quê.
- Doanh nghiệp tự sản xuất được 30.000 chai rượu Đông trùng Hạ thảo, đã nhập kho đầy đủ trong kỳ.
- Tình hình tiêu thụ rượu trong kỳ:
- Doanh nghiệp xuất kho 4.500 chai rượu nhập khẩu để tiêu thụ trong nước, giá bán chưa có thuế GTGT là 858.000 đồng/chai. Số rượu còn lại được giao cho đại lý bán đúng giá, và trong kỳ, đại lý đã bán được 600 chai, giá bán chưa thuế GTGT là 858.000 đồng/chai.
- Đối với rượu màu Hương Quê, doanh nghiệp tiêu thụ trong nước 25.000 chai, giá bán chưa thuế GTGT là 35.100 đồng/chai. Đồng thời, doanh nghiệp ủy thác cho Công ty Bình An xuất khẩu 6.000 chai, công ty Bình An đã hoàn thành thủ tục xuất khẩu toàn bộ số rượu này, với giá xuất khẩu là 42.000 đồng/chai và doanh nghiệp nhận phí dịch vụ ủy thác xuất khẩu chưa thuế GTGT, tính bằng 12% trên giá xuất khẩu.
- Đối với rượu Đông trùng Hạ thảo, doanh nghiệp tiêu thụ trong nước 20.000 chai, giá bán chưa thuế GTGT là 79.200 đồng/chai, đồng thời làm quà tặng cho cán bộ nhân viên 1.200 chai.
- Số rượu trắng mua từ doanh nghiệp X còn lại, doanh nghiệp chuyển nhượng cho đơn vị khác với giá bán chưa thuế GTGT là 70.000 đồng/lít.
- Thông tin về tồn kho và tình trạng các sản phẩm nhập khẩu, sản xuất trong kỳ:
- Đầu kỳ, doanh nghiệp không có tồn kho các sản phẩm rượu.
- Các sản phẩm nhập khẩu và sản xuất trong kỳ chưa tiêu thụ vẫn còn tồn kho.
Yêu cầu: Xác định thuế Nhập khẩu, thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế GTGT mà doanh nghiệp phải nộp trong kỳ liên quan đến các nghiệp vụ trên. Biết rằng:
- Thuế suất thuế nhập khẩu đối với rượu là 35%.
- Thuế suất thuế TTĐB đối với rượu trắng và rượu Đông Trùng Hạ thảo là 65%; đối với rượu màu Hương Quê là 35%.
- Thuế suất thuế GTGT của tất cả các sản phẩm trên là 10%.
- Tổng số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ theo hóa đơn GTGT mua vào trong kỳ là 245.000.000 đồng.
- Hàng nhập khẩu đã nộp đủ thuế ở khâu nhập khẩu, và hàng xuất khẩu đã có đầy đủ giấy tờ, hồ sơ hợp pháp.
- Hóa đơn GTGT đầu vào hợp pháp và có chứng từ thanh toán qua ngân hàng theo quy định.
Bài tập 3:
Công ty M&N chuyên sản xuất bia, trong kỳ có các hoạt động kinh doanh như sau:
- Tình hình mua vào trong kỳ:
- Nhập khẩu 20 tấn nguyên liệu A để sản xuất bia, giá CIF bằng tiền VND là 20 triệu đồng/tấn.
- Nhập khẩu một tài sản cố định (TSCĐ) là dây chuyền sản xuất với giá CIF là 50.000 USD, tỷ giá tính thuế là 25.000 VND/USD.
- Mua các loại hương liệu trong nước với hoá đơn GTGT có giá chưa thuế GTGT là 450 triệu đồng.
- Các khoản chi phí mua vào phục vụ kinh doanh trong kỳ với hoá đơn GTGT có giá chưa thuế GTGT là 80 triệu đồng, hoá đơn bán hàng với tổng giá trị là 42 triệu đồng.
- Tình hình tiêu thụ: Trong kỳ, công ty sản xuất và nhập kho 10.000 thùng bia và tiêu thụ như sau:
-
- Bán 200 thùng bia vào hệ thống siêu thị, giá bán chưa thuế GTGT là 350.000 đồng/thùng.
- Bán lẻ trong nước 500 thùng bia, giá bán chưa thuế GTGT là 380.000 đồng/thùng.
- Xuất khẩu 1.200 thùng bia sang Campuchia, giá giao tại cửa khẩu biên giới (DAF) là 280.000 đồng/thùng.
- Bán cho doanh nghiệp khu chế xuất 150 thùng bia, giá bán tại cửa khẩu là 270.000 đồng/thùng.
Yêu cầu: Tính thuế xuất nhập khẩu, thuế GTGT và thuế TTĐB mà công ty M&N phải nộp trong kỳ.
Thông tin bổ sung:
- Công ty áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT.
- Thuế GTGT còn được khấu trừ đầu kỳ là 50 triệu đồng.
- Thuế suất thuế xuất khẩu bia là 2%.
- Thuế suất thuế nhập khẩu:
- TSCĐ: 30%
- Nguyên liệu A: 15%
- Thuế suất thuế TTĐB:
- Bia: 65%
- Thuế suất thuế GTGT đối với các mặt hàng phát sinh tại công ty là 10%.
- Tất cả các giao dịch đều có hóa đơn, chứng từ và thanh toán qua chuyển khoản.
Bài tập 4:
Doanh nghiệp Tâm Phong sản xuất và kinh doanh bia, áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT trong kỳ tính thuế có các nghiệp vụ kinh tế như sau:
Nhập khẩu và sản xuất bia:
- Nhập khẩu 100.000 lít nước bia tươi, giá tính thuế nhập khẩu là 24.000 đồng/lô hàng đã hoàn thành thủ tục hải quan, nộp thuế nhập khẩu và vận chuyển về kho trong kỳ.
- Doanh nghiệp sử dụng 60.000 lít bia tươi nhập khẩu để đưa vào dây chuyền sản xuất bia lon và sản xuất được 240.000 lon bia. Trong kỳ, số bia lon này được tiêu thụ như sau:
- Bán trong nước 130.000 lon, giá bán chưa thuế GTGT là 19.800 đồng/lon. Trong đó, doanh nghiệp sử dụng 3.900 lon bia để khuyến mại cho khách hàng trong nước theo chương trình đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
- Xuất khẩu 60.000 lon bia, giá bán tại cửa khẩu xuất là 21.000 đồng/lon.
- Xuất kho điều chuyển đến đại lý bán đúng giá của doanh nghiệp 12.000 lon bia, giá giao chưa thuế GTGT là 19.800 đồng/lon. Đại lý đã tiêu thụ được 10.000 lon theo giá quy định và nhận hoa hồng đại lý chưa thuế GTGT là 10% trên giá giao cho đại lý đối với số lượng thực tế tiêu thụ; số còn lại tiếp tục tiêu thụ trong kỳ sau.
Các giao dịch khác:
- Bán cho doanh nghiệp sản xuất bia trong nước Hoàng An 20.000 lít bia tươi nhập khẩu, giá bán chưa thuế GTGT là 66.000 đồng/lít.
- Bán cho doanh nghiệp chế xuất 15.000 lít bia tươi nhập khẩu, giá bán tại cửa khẩu xuất là 70.000 đồng/lít.
Yêu cầu: Xác định các khoản thuế nhập khẩu, thuế TTĐB và thuế GTGT mà doanh nghiệp Tâm Phong phải nộp trong kỳ tính thuế, biết rằng:
- Thuế suất thuế nhập khẩu bia: 35%.
- Thuế suất thuế TTĐB của bia: 65%.
- Thuế suất thuế GTGT của bia: 10%.
- Thuế GTGT đầu vào trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ sản xuất và kinh doanh trong kỳ là 115 triệu đồng.
- Tất cả các giao dịch đều có hóa đơn, chứng từ hợp lệ và thanh toán qua ngân hàng.
- Hàng nhập khẩu đã có đầy đủ chứng từ và nộp thuế ở khâu nhập khẩu; hàng xuất khẩu đã có đầy đủ giấy phép và hồ sơ theo quy định.
Như vậy, việc giải quyết các bài tập thuế xuất nhập khẩu không chỉ giúp bạn hiểu rõ hơn về các quy định pháp lý mà còn nâng cao kỹ năng tính toán và hạch toán thuế trong thực tế. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ ngay với AZTAX qua HOTLINE: 0932 383 089 để được tư vấn kịp thời và nhanh chóng nhé!