Lương cơ sở là mức lương được Nhà nước quy định theo từng thời kỳ và luôn cố định cho đến khi có công văn điều chỉnh tăng, giảm. Thế nhưng, lương cơ sở lại có thể tác động nhiều đến các loại lương, thưởng, trợ cấp và chi phí khác trong doanh nghiệp. Vậy, khi lương cơ sở tăng, doanh nghiệp cần lưu ý những gì? Xem bài viết bên dưới để biết thêm thông tin chi tiết nhé!
1. Lương cơ sở là gì?
Khái niệm về lương cơ sở đã được chúng tôi đề cập và giải thích rất rõ ràng ở bài viết Tất Tần Tật Quy Định Về Lương Cơ Sở Mới, bạn có thể xem qua để hiểu rõ hơn về lương cơ sở.
Nhìn chung, lương cơ sở là loại lương được quy định bởi Nhà nước và luôn cố định trong thời gian văn bản quy định nó có hiệu lực. Đây là loại lương được sử dụng để nhân với hệ số chi lương đối với cán bộ, công chức Nhà nước hoặc dùng trong công thức chi trả trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Tham khảo thêm về: Có Ít Nhất 05 Khoản Tiền Sẽ Tăng Theo Lương Cơ Sở Năm 2023
2. Ảnh hưởng của việc tăng lương cơ sở đối với doanh nghiệp
Lương cơ sở tăng dẫn đến tăng các loại trợ cấp từ quỹ bảo hiểm xã hội, bởi công thức tính của các loại trợ cấp này có liên quan đến lương cơ sở. Do vậy, người lao động sẽ nhận được trợ cấp từ quỹ bảo hiểm – khi có phát sinh – nhiều hơn khi lương cơ sở tăng từ ngày 01/07/2023. Để xem ảnh hưởng cụ thể đến các loại trợ cấp, mời bạn đọc xem bài viết Có Ít Nhất 05 Khoản Tiền Sẽ Tăng Theo Lương Cơ Sở Năm 2023.
Ngoài tác động đối với các loại trợ cấp từ bảo hiểm xã hội, tăng lương cơ sở cũng có tác động đối với doanh nghiệp, dưới đây là 03 tác động rõ ràng nhất:
2.1 Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội tối đa
Mức đóng bảo hiểm xã hội tối đa theo quy định hiện nay là 20 lần lương cơ sở. Tức là, nếu lương tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động vượt quá mức này thì người lao động chỉ tham gia nhiều nhất bằng 20 lần lương cơ sở. Do vậy, khi tăng lương cơ sở từ ngày 01/07/2023, mức lương tham gia bảo hiểm xã hội tối đa cũng sẽ tăng từ 29.800.000 đồng lên 36.000.000 đồng. Theo mức lương tham gia bảo hiểm mới này thì mức đóng bảo hiểm xã hội tối đa cũng sẽ tăng từ 7.599.000 đồng/tháng lên 9.180.000 đồng/tháng (bao gồm mức đóng của doanh nghiệp và người lao động), cụ thể:
– Lương cơ sở áp dụng đến ngày 30/06/2023 là 1.490.000 đồng/tháng thì:
+ Lương tham gia bảo hiểm xã hội tối đa: 29.800.000 đồng/tháng
+ Mức đóng bảo hiểm xã hội tối đa của doanh nghiệp (17,5% mức đóng): 5.215.000 đồng/tháng
+ Mức đóng bảo hiểm xã hội tối đa của người lao động (8% mức đóng): 2.384.000 đồng/tháng
– Lương cơ sở áp dụng từ ngày 01/07/2023 là 1.800.000 đồng/tháng thì:
+ Lương tham gia bảo hiểm xã hội tối đa: 36.000.000 đồng/tháng
+ Mức đóng bảo hiểm xã hội tối đa của doanh nghiệp (17,5% mức đóng): 6.300.000 đồng/tháng
+ Mức đóng bảo hiểm xã hội tối đa của người lao động (8% mức đóng): 2.880.000 đồng/tháng
Thực tế, việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội tối đa chỉ tác động đối với người lao động có mức lương tham gia bảo hiểm xã hội vượt quá mức lương cao nhất hiện tại. Còn đối với doanh nghiệp có người lao động tham gia bảo hiểm xã hội với mức lương thấp hơn 20 lần lương cơ sở hiện tại thì hoàn toàn không ảnh hưởng.
2.2 Tăng mức đóng bảo hiểm y tế tối đa
Mức đóng bảo hiểm y tế tối đa được tính bằng cách lấy lương tham gia bảo hiểm y tế tối đa nhân với % theo quy định từ Nhà nước. Theo đó, lương tham gia bảo hiểm y tế tối đa không được vượt quá 20 lần lương cơ sở, tức là tương đương với mức lương tham gia bảo hiểm xã hội tối đa ở mục 2.1 trên. Quy định về mức lương tham gia bảo hiểm y tế tối đa được đề cập tại Điều 14 Luật Bảo hiểm y tế 2008, được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014, cụ thể như sau:
“Điều 14. Tiền lương, tiền công, tiền trợ cấp làm căn cứ đóng bảo hiểm y tế
1. Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì căn cứ để đóng bảo hiểm y tế là tiền lương tháng theo ngạch bậc, cấp quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
2. Đối với người lao động hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của người sử dụng lao động thì căn cứ để đóng bảo hiểm y tế là tiền lương, tiền công tháng được ghi trong hợp đồng lao động.
3. Đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hằng tháng thì căn cứ để đóng bảo hiểm y tế là tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hằng tháng.
4. Đối với các đối tượng khác thì căn cứ để đóng bảo hiểm y tế là mức lương cơ sở.
5. Mức tiền lương tháng tối đa để tính số tiền đóng bảo hiểm y tế là 20 lần mức lương cơ sở.”
Do vậy, nếu lương cơ sở tăng từ ngày 01/07/2023 thì mức đóng bảo hiểm y tế tối đa cũng sẽ tăng từ 1.341.000 đồng/tháng đến 1.620.000 đồng/tháng (bao gồm mức đóng của người lao động và doanh nghiệp), chi tiết như sau:
– Lương cơ sở áp dụng đến ngày 30/06/2023 là 1.490.000 đồng/tháng thì:
+ Lương tham gia bảo hiểm y tế tối đa: 29.800.000 đồng/tháng
+ Mức đóng bảo hiểm y tế tối đa của doanh nghiệp (3% mức đóng): 894.000 đồng/tháng
+ Mức đóng bảo hiểm y tế tối đa của người lao động (1,5% mức đóng): 447.000 đồng/tháng
– Lương cơ sở áp dụng từ ngày 01/07/2023 là 1.800.000 đồng/tháng thì:
+ Lương tham gia bảo hiểm y tế tối đa: 36.000.000 đồng/tháng
+ Mức đóng bảo hiểm y tế tối đa của doanh nghiệp (3% mức đóng): 1.080.000 đồng/tháng
+ Mức đóng bảo hiểm y tế tối đa của người lao động (1,5% mức đóng): 540.000 đồng/tháng
Cũng tương tự như mức đóng bảo hiểm xã hội tối đa, mức đóng bảo hiểm y tế tối đa chỉ tăng khi người lao động trong doanh nghiệp có lương tham gia bảo hiểm cao hơn mức tối đa hiện tại. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội sẽ không gặp vấn đề khi tăng lương cơ sở khi mức đóng không vượt quá mức tối đa. Duy chỉ có những doanh nghiệp sử dụng lao động với mức lương tham gia bảo hiểm xã hội cao thì cần lưu ý kỹ khi lương cơ sở tăng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể xem chi tiết bài viết này để biết thêm thông tin liên quan: > Tiền Đóng Bảo Hiểm Xã Hội Thay Đổi Ra Sao Khi Tăng Lương Cơ Sở Từ 01/07/2023 (/tien-dong-bhxh-thay-doi-khi-tang-luong-co-so-2023)
2.3 Tăng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa
Lương đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa cũng chịu sự ảnh hưởng khi tăng lương cơ sở nhưng sự ảnh hưởng này ít hơn so với lương đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Bởi chỉ có người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định mới được tăng mức tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo lương cơ sở. Còn người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì có cách tính tối đa theo lương tối thiểu vùng.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 Luật Việc làm 2013, nếu mức lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn hai mươi tháng lương cơ sở thì mức lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp chỉ bằng hai mươi tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp. Lưu ý, điều chỉ áp dụng đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.
Đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì được tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều 58 Luật Việc làm 2013 như sau: Trường hợp mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn hai mươi tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp không quá hai mươi tháng lương tối thiểu vùng.
Như vậy, lương đóng và mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa khi tăng lương cơ sở từ ngày 01/07/2023 phải được chi thành 02 trường hợp:
Trường hợp 1: Người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định:
– Lương cơ sở áp dụng đến ngày 30/06/2023 là 1.490.000 đồng/tháng thì:
+ Lương tham gia bảo hiểm thất nghiệp tối đa: 29.800.000 đồng/tháng
+ Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa của doanh nghiệp (1% mức đóng): 298.000 đồng/tháng
+ Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa của người lao động (1% mức đóng): 298.000 đồng/tháng
– Lương cơ sở áp dụng từ ngày 01/07/2023 là 1.800.000 đồng/tháng thì:
+ Lương tham gia bảo hiểm thất nghiệp tối đa: 36.000.000 đồng/tháng
+ Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa của doanh nghiệp (1% mức đóng): 360.000 đồng/tháng
+ Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa của người lao động (1% mức đóng): 360.000 đồng/tháng
Trường hợp 2: Người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định:
– Mức lương tham gia bảo hiểm thất nghiệp tối đa:
+ Người lao động ở vùng I: 93.600.000 đồng/tháng
+ Người lao động ở vùng II: 88.200.000 đồng/tháng
+ Người lao động ở vùng III: 72.800.000 đồng/tháng
+ Người lao động ở vùng IV: 65.000.000 đồng/tháng
– Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa (chung cho cả người lao động và doanh nghiệp)
+ Người lao động ở vùng I: 1.872.000 đồng/tháng
+ Người lao động ở vùng II: 1.664.000 đồng/tháng
+ Người lao động ở vùng III: 1.456.000 đồng/tháng
+ Người lao động ở vùng IV: 1.300.000 đồng/tháng
Do mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa cho người lao động làm ngoài Nhà nước không chịu ảnh hưởng của lương cơ sở nên sẽ không có biến động từ ngày 01/07/2023.
Tham khảo thêm về: Tiền Đóng Bảo Hiểm Xã Hội Thay Đổi Ra Sao Khi Tăng Lương Cơ Sở Từ 01/07/2023
Như vậy, bài viết này đã nêu rõ sự biến động của lương cơ sở và những điều doanh nghiệp cần lưu ý. Hy vọng bài viết có thể giúp ích cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp chi trả lương cho người lao động đang vượt quá mức tham gia bảo hiểm tối đa hiện tại. Đừng ngần ngại liên hệ AZTAX theo thông tin bên dưới để được hỗ trợ giải đáp thắc mắc liên quan hoặc hỗ trợ dịch vụ điều chỉnh lương tham gia bảo hiểm xã hội hợp lý!
[wptb id=9751]
[wptb id=9754]