Chế độ kế toán hộ kinh doanh cá thể hiện nay đang được quy định như thế nào? Cá nhân, hộ kinh doanh nào phải thực hiện chế độ kế toán hộ kinh doanh? Hãy cùng AZTAX khám phá những vấn để trên qua bài viết sau đây nhé!
1. Cá nhân, hộ kinh doanh nào phải thực hiện chế độ kế toán hộ kinh doanh?
Cá nhân và hộ kinh doanh quy mô nhỏ nộp thuế theo phương pháp khoán hoặc theo từng lần phát sinh thì không cần thực hiện chế độ kế toán.
Căn cứ theo Điều 2 của Thông tư 88/2021/TT-BTC, chế độ kế toán áp dụng cho hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh được quy định như sau:
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai theo quy định của pháp luật về thuế.
2. Các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc diện phải thực hiện chế độ kế toán nhưng có nhu cầu thực hiện chế độ kế toán theo Thông tư này thì được khuyến khích áp dụng.
Cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai tức là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn hoặc có quy mô về doanh thu, lao động áp ứng từ mức cao nhất các tiêu chí của một doanh nghiệp siêu nhỏ thì phải nộp thuế theo phương pháp kê khai và thực hiện chế độ kế toán.
Như vậy, cá nhân và hộ kinh doanh quy mô nhỏ có thể nộp thuế theo phương pháp khoán hoặc từng lần phát sinh mà không phải thực hiện chế độ kế toán.
Điều kiện để được tính là hộ kinh doanh quy mô lớn:
Theo Khoản 2 Điều 3 Thông tư 40/2021/TT-BTC, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được tính là quy mô lớn khi thỏa mãn 1 trong 2 điều kiện sau:
- Có trung bình từ 10 lao động trở lên tham gia bảo hiểm xã hội trong 1 năm.
- Có tổng doanh thu của năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên nếu kinh doanh trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp và công nghiệp hoặc từ 10 tỷ đồng trở lên nếu kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ.
2. Tổ chức công tác kế toán hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
Hộ và cá nhân kinh doanh có thể tự chọn người phụ trách kế toán, người này cần có kiến thức chuyên môn và có thể là người thân hoặc nhân viên thuê ngoài. Có thể áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 88/2021/TT-BTC hoặc chế độ của doanh nghiệp siêu nhỏ.
Căn cứ theo Điều 3 của Thông tư số 88/2021/TT-BTC, các quy định về kế toán đối với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh được nêu rõ như sau:
- Chủ hộ kinh doanh hoặc cá nhân kinh doanh có quyền tự quyết định người phụ trách kế toán. Người đảm nhiệm công việc kế toán cần có kiến thức chuyên môn về kế toán và có thể là người thân (như bố mẹ, vợ chồng, con cái hoặc anh chị em) hoặc nhân viên thuê ngoài, như quản lý kinh doanh, thủ kho, thủ quỹ, người phụ trách mua bán tài sản, đồng thời thực hiện nhiệm vụ kế toán cho hộ kinh doanh hoặc cá nhân kinh doanh.
- Hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh có thể chọn thực hiện chế độ kế toán theo hướng dẫn của Thông tư 88/2021/TT-BTC hoặc áp dụng chế độ kế toán của doanh nghiệp siêu nhỏ, tùy thuộc vào nhu cầu và đặc điểm hoạt động của mình.
- Để bảo quản và lưu trữ tài liệu kế toán, các hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh có thể áp dụng các quy định tại Điều 41 Luật Kế toán và từ Điều 9 đến Điều 17 của Nghị định số 174/2016/NĐ-CP. Điều này giúp đảm bảo việc xác định nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước và hỗ trợ công tác quản lý thuế.
Vậy theo quy định trên kế toán cho hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh được quy định như sau: Chủ hộ hoặc cá nhân kinh doanh có thể tự chọn người phụ trách kế toán, người này cần có kiến thức chuyên môn và có thể là người thân hoặc nhân viên thuê ngoài. Hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh có thể áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 88/2021/TT-BTC hoặc chế độ của doanh nghiệp siêu nhỏ, tùy theo nhu cầu. Việc lưu trữ tài liệu kế toán tuân theo Luật Kế toán và Nghị định 174/2016/NĐ-CP để đảm bảo quản lý thuế và nghĩa vụ thuế đúng quy định.
3. Chế độ kế toán cho cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể
Chế độ kế toán cho cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh cá thể đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý tài chính, đảm bảo minh bạch và tuân thủ nghĩa vụ thuế. Tùy vào quy mô hoạt động, họ có thể áp dụng các chế độ kế toán khác nhau để tối ưu hóa việc hạch toán và báo cáo tài chính. Dưới đây là chế độ kế toán cho cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể theo Thông tư 88/2021/TT-BTC mà bạn có thể tham khảo:
3.1 Đối với chứng từ kế toán
Căn cứ theo Điều 4 của Thông tư 88/2021/TT-BTC, các quy định về chứng từ kế toán cho hộ kinh doanh được quy định như sau:
- Nội dung, quy trình lập, lưu trữ và ký chứng từ kế toán phải tuân theo Điều 16, Điều 18 và Điều 19 của Luật Kế toán, đồng thời thực hiện theo hướng dẫn chi tiết trong Phụ lục 1, bao gồm các biểu mẫu và phương pháp lập chứng từ kế toán kèm theo Thông tư này.
- Cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh có thể áp dụng quy định tại Điều 17 và Điều 18 của Luật Kế toán để lập và lưu trữ chứng từ kế toán dưới dạng điện tử, nhằm phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
- Nội dung, hình thức hóa đơn, cùng với quy trình lập, quản lý và sử dụng hóa đơn (bao gồm hóa đơn điện tử) sẽ được thực hiện theo các quy định của pháp luật về thuế.
Biểu mẫu và cách lập chứng từ kế toán cho cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh cá thể được thực hiện theo các mẫu quy định trong Thông tư 88/2021/TT-BTC, cụ thể như sau:
STT | Tên chứng từ | Ký hiệu |
---|---|---|
I | Các chứng từ quy định tại Thông tư này | |
1 | Phiếu thu | Mẫu số 01-TT |
2 | Phiếu chi | Mẫu số 02-TT |
3 | Phiếu nhập kho | Mẫu số 03-VT |
4 | Phiếu xuất kho | Mẫu số 04-VT |
5 | Bảng thanh toán tiền lương và các khoản thu nhập của người lao động | Mẫu số 05-LĐTL |
II | Các chứng từ quy định theo pháp luật khác | |
1 | Hóa đơn | |
2 | Giấy nộp tiền vào NSNN | |
3 | Giấy báo Nợ, Giấy báo Có của ngân hàng | |
4 | Ủy nhiệm chi |
3.2 Đối với sổ kế toán
Theo Điều 5 Thông tư 88/2021/TT-BTC, các quy định liên quan đến sổ kế toán cho cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh được quy định như sau:
- Nội dung, quy trình mở, ghi, khóa sổ và lưu trữ sổ kế toán phải tuân theo Điều 24, Điều 25 và Điều 26 của Luật Kế toán, đồng thời áp dụng theo hướng dẫn trong Phụ lục 2, bao gồm các biểu mẫu và phương pháp ghi sổ kế toán kèm theo Thông tư này.
- Cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh có thể áp dụng quy định tại Điều 26 của Luật Kế toán để thực hiện các công việc liên quan đến sổ kế toán trên phương tiện điện tử, phù hợp với đặc điểm hoạt động của mình.
- Để đảm bảo tính chính xác, cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh cần áp dụng các quy định tại Điều 27 của Luật Kế toán trong việc sửa chữa sổ kế toán, sao cho phù hợp với đặc điểm và yêu cầu của hoạt động sản xuất kinh doanh.
3.3 Về việc xác định doanh thu, chi phí và nghĩa vụ thuế
Theo quy định tại Điều 6 của Thông tư số 88/2021/TT-BTC: Việc xác định doanh thu, chi phí và nghĩa vụ thuế cho từng lĩnh vực và ngành nghề của cá nhân và hộ kinh doanh phải tuân theo quy định của pháp luật về thuế. Cụ thể, để tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế giá trị gia tăng (GTGT), cá nhân và hộ kinh doanh cần căn cứ vào hướng dẫn của Thông tư 40/2021/TT-BTC.
4. Xác định kỳ nộp báo cáo của hộ kinh doanh thực hiện chế độ kế toán
Theo quy định tại Điều 11 của Thông tư 40/2021/TT-BTC, cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh áp dụng phương pháp kê khai thuế có quyền chọn kê khai thuế theo tháng hoặc theo quý.
Tiêu chí xác định kỳ nộp báo cáo cho hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai dựa trên Điều 9 Nghị định 126/2020/NĐ-CP như sau:
- Kê khai theo tháng nếu tổng doanh thu của năm trước vượt quá 50 tỷ đồng.
- Kê khai theo quý nếu tổng doanh thu của năm trước là 50 tỷ đồng hoặc thấp hơn.
Thời hạn nộp báo cáo đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai được quy định như sau:
- Kê khai theo tháng: Báo cáo phải được nộp chậm nhất vào ngày 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế. Ví dụ, báo cáo cho tháng 9/2022 phải được nộp không muộn hơn ngày 20/10/2022.
- Kê khai theo quý: Báo cáo phải được nộp chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của quý tiếp theo ngay sau quý phát sinh nghĩa vụ thuế. Ví dụ, báo cáo cho quý III/2022 (bao gồm tháng 6, 7, 8) phải được nộp không muộn hơn ngày 30/10/2022 (ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của quý IV).
Như vậy, với các hộ kinh doanh mới thành lập, nếu chọn phương pháp kê khai và áp dụng chế độ kế toán, có thể lựa chọn kê khai theo quý với cơ quan thuế, đồng thời không cần nộp báo cáo tài chính năm như các doanh nghiệp.
5. Hộ kinh doanh có phải quyết toán thuế TNCN không?
Căn cứ theo Điều 5 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định về phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai như sau:
Điều 5. Phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai
1. Phương pháp kê khai áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn; và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.
2. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện khai thuế theo tháng trừ trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới ra kinh doanh và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đáp ứng các tiêu chí khai thuế theo quý và lựa chọn khai thuế theo quý theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
3. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai nếu xác định doanh thu tính thuế không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế theo quy định tại Điều 50 Luật Quản lý thuế.
4. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ. Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề có căn cứ xác định được doanh thu theo xác nhận của cơ quan chức năng thì không phải thực hiện chế độ kế toán.
5. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai không phải quyết toán thuế.
Như vậy, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai không phải quyết toán thuế TNCN.
Trên đây, là toàn bộ thông tin về kế toán hộ kinh doanh cá thể. mà AZTAX đã tổng hợp được.Hy vọng bài viết mang lại thông tin hữu ích cho bạn. Nếu bạn cần thêm thông tin hoặc có bất kỳ câu hỏi nào về chế độ kế toán hộ kinh doanh cá thể hãy liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE: 0932.383.089 để được hỗ trợ nhanh chóng và tận tình nhất!
6. Một số câu hỏi thường gặp
Chế độ kế toán cho hộ kinh doanh gồm những gì?
Mô hình hộ kinh doanh cá thể cần nắm các quy định về kế toán như sau:
- Thuế cần nộp: thuế môn bài, thuế GTGT, thuế TNCN.
- Phương pháp tính thuế: khoán, kê khai, hoặc theo lần phát sinh.
- Hạn nộp: cuối tháng đầu quý tiếp theo (kê khai quý), trước ngày 20 tháng sau (kê khai tháng).
Ngoài ra, luật cũng quy định cụ thể các loại sổ kế toán, chứng từ kế toán của hộ kinh doanh. Bạn có thể tham khảo chi tiết tại nội dung: Quy định kế toán thuế hộ kinh doanh.
Hộ kinh doanh có được xuất hóa đơn VAT không?
Hộ kinh doanh không được xuất hóa đơn VAT mà chỉ được phép xuất hóa đơn bán hàng.
Hộ kinh doanh nhỏ lẻ có phải nộp thuế không?
Hiện tại, hộ kinh doanh phải nộp ít nhất 3 loại thuế: thuế môn bài, thuế GTGT, và thuế TNCN. Mức thuế tùy thuộc vào doanh thu và quy mô hoạt động. Cụ thể, lệ phí môn bài được áp dụng như sau:
- Doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm: Miễn lệ phí môn bài.
- Doanh thu từ 100 – 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.
- Doanh thu từ 300 – 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm.
- Doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm.
Hộ kinh doanh nào phải lập sổ sách kế toán?
Theo Điều 2 Thông tư 88/2021/TT-BTC, cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh quy mô lớn phải nộp thuế theo phương pháp kê khai hoặc hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa đáp ứng được quy mô lớn nhưng tự nguyện thực hiện theo phương pháp kê khai thì phải áp dụng chế độ kế toán.