Doanh nghiệp bán hàng vào khu chế xuất có chịu thuế GTGT không? Đây là thắc mắc của nhiều doanh nghiệp khi giao dịch với khu chế xuất. Mặc dù khu chế xuất được ưu đãi thuế, nhưng việc áp dụng thuế GTGT không phải lúc nào cũng giống nhau. Bài viết này sẽ giải đáp câu hỏi liên quan đến thuế GTGT khi bán hàng vào khu chế xuất.
1. Khu chế xuất là gì?
Khu chế xuất là khu công nghiệp chuyên biệt, tập trung vào sản xuất, cung cấp dịch vụ phục vụ sản xuất hàng hóa xuất khẩu và các hoạt động xuất khẩu, có ranh giới địa lý rõ ràng, được thành lập hoặc cho phép thành lập bởi cơ quan nhà nước.

2. Bán hàng hóa vào khu chế xuất có phải chịu thuế GTGT không?

Theo Khoản 20 Điều 5 Luật Thuế Giá trị gia tăng năm 2008, quy định về các đối tượng không chịu thuế:
Điều 5. Đối tượng không chịu thuế
….
20. Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất; gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài; hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau
….
Ngoài ra, Khoản 20 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC, được bổ sung bởi Khoản 2 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC, quy định như sau:
Điều 4. Đối tượng không chịu thuế GTGT
….
20. …..
Hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau.
Khu phi thuế quan bao gồm: khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, kho bảo thuế, khu bảo thuế, kho ngoại quan, khu kinh tế thương mại đặc biệt, khu thương mại – công nghiệp và các khu vực kinh tế khác được thành lập và được hưởng các ưu đãi về thuế như khu phi thuế quan theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Quan hệ mua bán trao đổi hàng hóa giữa các khu này với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.
…..
Dựa trên các căn cứ trên, hàng hóa mua bán giữa nước ngoài và các khu phi thuế quan, hoặc giữa các khu phi thuế quan với nhau, không phải chịu thuế GTGT.
Ngoài ra, khu chế xuất là một phần của khu thuế quan. Vì vậy, giao dịch bán hàng vào khu chế xuất sẽ không chịu thuế GTGT khi mua bán diễn ra giữa nước ngoài và khu chế xuất, hoặc giữa khu chế xuất và các khu phi thuế quan khác
3. Khu chế xuất có phải chịu thuế xuất nhập khẩu không?
Theo quy định tại Điều 2 của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016, như sau:
Đối tượng chịu thuế
1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
2. Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước.
3. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối.
4. Đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không áp dụng đối với các trường hợp sau:
a) Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển;
b) Hàng hóa viện trợ nhân đạo, hàng hóa viện trợ không hoàn lại;
c) Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác;
d) Phần dầu khí được dùng để trả thuế tài nguyên cho Nhà nước khi xuất khẩu.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Do đó, khu chế xuất không nằm trong phạm vi điều chỉnh và không phải chịu thuế xuất nhập khẩu
4. Các hoạt động đầu tư trong khu chế xuất như thế nào?

Theo Điều 62 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, đối với dự án đầu tư trong khu chế xuất, nhà đầu tư có thể thực hiện các hoạt động sau:
Thuê hoặc mua các công trình như nhà xưởng, văn phòng, kho bãi đã có sẵn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Sử dụng có trả tiền các công trình hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ, bao gồm hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý nước thải, chất thải và các tiện ích công cộng khác (gọi chung là phí sử dụng hạ tầng).
Chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất, thuê lại đất có sẵn hạ tầng để xây dựng nhà xưởng, văn phòng và các công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh, theo quy định của pháp luật về đất đai và bất động sản.
Cho thuê hoặc cho thuê lại nhà xưởng, văn phòng, kho bãi và các công trình đã xây dựng phục vụ sản xuất, kinh doanh, theo quy định của pháp luật về đất đai và bất động sản.
Các hoạt động khác theo quy định của Luật Đầu tư 2020, Nghị định 31/2021/NĐ-CP, và các quy định pháp luật liên quan đến khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
5. Thủ tục bán hàng, cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp chế xuất

5.1 Thủ tục hải quan bán hàng vào khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất
Doanh nghiệp muốn bán hàng vào khu chế xuất cần thực hiện thủ tục mở tờ khai hải quan.
Để mở tờ khai, doanh nghiệp cần chuẩn bị các hồ sơ sau:
- Hợp đồng mua bán
- Hóa đơn giá trị gia tăng
- Packing list
- Các chứng từ khác nếu hàng hóa cần kiểm tra chuyên ngành hoặc kiểm tra chất lượng.
Lưu ý: Trong một số trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp bán hàng cho DNCX không cần thực hiện thủ tục hải quan, bao gồm:
- Bán những sản phẩm phần mềm
- Hàng hóa là vật liệu xây dựng phục vụ công trình trong khu chế xuất
- Lương thực, thực phẩm, văn phòng phẩm, hàng tiêu dùng (bao gồm bảo hộ lao động như quần, áo, mũ, giày, ủng, găng tay) phục vụ hoạt động văn phòng và sinh hoạt của cán bộ làm việc trong khu chế xuất.
5.2 Thủ tục cung cấp dịch vụ cho khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp chế xuất không cần mở tờ khai hải quan, chỉ cần ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với DNCX.
6. Thuế suất thuế GTGT khi bán hàng, cung cấp cho dịch vụ DNCX
Theo Khoản 1 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính, thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu, bao gồm xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và khu phi thuế quan, vận chuyển xuyên quốc gia, và bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu. Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là các sản phẩm bán cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hoặc trong khu phi thuế quan.
Do đó, bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ vào khu chế xuất được coi là hoạt động xuất khẩu và sẽ chịu thuế suất 0%.
Tuy nhiên, để được áp dụng thuế suất 0%, cần đáp ứng các điều kiện sau:
Điều kiện áp dụng thuế suất 0% khi bán hàng vào khu chế xuất:
- Hợp đồng mua bán
- Có chứng từ thu tiền thông qua ngân hàng
- Có tờ khai hải quan (trừ trường hợp bán hàng cho doanh nghiệp chế xuất không cần mở tờ khai như đã đề cập).
Trong trường hợp này:
Nếu doanh nghiệp bán hàng vào khu chế xuất mà thiếu tờ khai hải quan, hàng hóa sẽ không được áp dụng thuế suất 0%, mà thay vào đó sẽ chịu thuế theo mức thuế suất hiện hành như bán cho doanh nghiệp nội địa.
Nếu doanh nghiệp có tờ khai hải quan nhưng thiếu chứng từ thanh toán qua ngân hàng, doanh nghiệp vẫn có thể xuất hóa đơn với thuế suất 0%, nhưng thuế GTGT đầu vào sẽ không khấu trừ.
Lưu ý: Một số mặt hàng khi bán cho doanh nghiệp chế xuất không được xem là xuất khẩu và không áp dụng thuế suất 0%, như xe ô tô và xăng dầu phục vụ cho xe ô tô của doanh nghiệp chế xuất
Điều kiện hưởng thuế suất 0% khi cung cấp dịch vụ vào khu chế xuất
Doanh nghiệp sẽ được áp dụng thuế suất 0% nếu có đầy đủ các hồ sơ sau:
- Hợp đồng cung cấp dịch vụ
- Chứng từ thu tiền qua ngân hàng
- Giấy phép đầu tư (photo) để chứng minh đối tác là DNCX
Tuy nhiên, một số dịch vụ đặc biệt không được áp dụng thuế suất 0%, bao gồm:
- Dịch vụ vận chuyển người lao động
- Dịch vụ ăn uống (trừ suất ăn công nghiệp và dịch vụ ăn uống trong khu chế xuất)
- Dịch vụ cho thuê nhà ở, văn phòng, hội trường, khách sạn, kho bãi
7. Quy định về xuất hóa đơn cho doanh nghiệp chế xuất

7.1 Doanh nghiệp bán hàng, cung cấp dịch vụ cho khu chế xuất bắt buộc phải xuất hóa đơn
Theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 123, có hai loại hóa đơn:
- Hóa đơn GTGT dành cho doanh nghiệp khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, áp dụng cho hoạt động xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ vào khu phi thuế quan hoặc các trường hợp coi là xuất khẩu.
- Hóa đơn bán hàng dành cho doanh nghiệp khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, áp dụng cho các hoạt động tương tự.
Do đó, khi bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ vào khu chế xuất, doanh nghiệp cần xuất hóa đơn. Doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ sẽ xuất hóa đơn GTGT, còn doanh nghiệp kê khai thuế theo phương pháp trực tiếp sẽ xuất hóa đơn bán hàng.
7.2 Cách viết hóa đơn hàng hóa, dịch vụ vào khu chế xuất
Về đơn vị tiền tệ trên hóa đơn:
- Nếu hai bên thỏa thuận thanh toán bằng VNĐ, đơn vị tiền tệ trên hóa đơn sẽ là Việt Nam đồng.
- Nếu thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ, đơn vị tiền tệ ghi trên hóa đơn sẽ là ngoại tệ, kèm theo tỷ giá quy đổi để doanh nghiệp hạch toán (tỷ giá lấy từ tỷ giá mua của ngân hàng thương mại tại thời điểm xuất hóa đơn).
Đối với doanh nghiệp sử dụng hóa đơn GTGT:
- Ghi rõ thuế suất thuế GTGT: 0%.
- Ghi rõ tiền thuế GTGT: 0.
Ví dụ:
8. Cơ quan nào có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong khu chế xuất?
Theo Điều 39 Luật Đầu tư 2020, quy định về thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như sau:
Điều 39. Thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
1. Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
Như vậy, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong khu chế xuất được quy định như sau:
- Ban Quản lý khu chế xuất cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án đầu tư trong khu chế xuất, trừ trường hợp tại Khoản 3 Điều 39 Luật Đầu tư 2020.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án ngoài khu chế xuất, trừ trường hợp tại Khoản 3 Điều 39 Luật Đầu tư 2020.
- Cơ quan đăng ký đầu tư tại nơi nhà đầu tư thực hiện dự án hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho:
- Dự án đầu tư trong khu chế xuất.
- Dự án đầu tư trong khu chế xuất chưa có Ban Quản lý hoặc không thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý khu chế xuất.
- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ các trường hợp tại Điều 34 và Điều 35 Luật Đầu tư 2020.
Kết luận, câu hỏi “Doanh nghiệp bán hàng vào khu chế xuất có chịu thuế GTGT không” là vấn đề quan trọng mà các doanh nghiệp cần nắm rõ. Việc hiểu đúng quy định này không chỉ giúp tuân thủ pháp luật mà còn tối ưu hóa chi phí thuế, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh. Nếu bạn có vướng mắc gì thì hãy liên hệ với AZTAX qua HOTLINE: (+84) 932 383 089 để được tư vấn.