Mã chương nộp thuế nhà thầu nước ngoài là thông tin bắt buộc phải khai báo khi thực hiện nghĩa vụ thuế với cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp, tổ chức còn nhầm lẫn hoặc chưa nắm rõ quy định hiện hành. Để tránh sai sót và đảm bảo kê khai đúng chuẩn, hãy cùng AZTAX tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây!
1. Mã chương nộp thuế nhà thầu nước ngoài năm 2025?

Dựa trên quy định tại Điều 2 Thông tư số 324/2016/TT-BTC, việc phân loại mục lục ngân sách nhà nước theo “Chương” được quy định như sau:
Điều 2. Phân loại mục lục ngân sách nhà nước theo “Chương”
- Nội dung phân loại
Chương dùng để phân loại thu, chi ngân sách nhà nước dựa trên cơ sở hệ thống tổ chức của các cơ quan, tổ chức trực thuộc một cấp chính quyền (gọi chung là cơ quan chủ quản) được tổ chức quản lý ngân sách riêng. Mỗi cấp ngân sách bố trí một Chương đặc biệt (Các quan hệ khác của ngân sách) để phản ánh các khoản thu, chi ngân sách không thuộc dự toán giao cho các cơ quan, tổ chức.
- Mã số hóa nội dung phân loại
- a) Chương được mã số hóa theo 3 ký tự theo từng cấp quản lý: Đối với cơ quan ở cấp trung ương, mã số từ 001 đến 399; đối với cơ quan ở cấp tỉnh, mã số từ 400 đến 599; đối với cơ quan ở cấp huyện, mã số từ 600 đến 799; đối với cơ quan cấp xã, mã số từ 800 đến 989.
Theo quy định, mã chương và tiểu mục liên quan đến việc nộp thuế nhà thầu nước ngoài được hướng dẫn cụ thể tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 324/2016/TT-BTC. Mã chương áp dụng cho việc nộp thuế nhà thầu nước ngoài trong năm 2024 được xác định như sau:
Mã số | Tên | Ghi chú |
Chương thuộc trung ương | Giá trị từ 001 đến 399 | |
161 | Nhà thầu chính ngoài nước | |
162 | Nhà thầu phụ ngoài nước | |
Chương thuộc cấp tỉnh | Giá trị từ 400 đến 599 | |
561 | Nhà thầu chính ngoài nước | |
562 | Nhà thầu phụ ngoài nước |
2. Thuế nhà thầu nước ngoài gồm các loại thuế nào theo Thông tư 103?

Theo Điều 5 Thông tư số 103/2014/TT-BTC, các loại thuế được áp dụng đối với nhà thầu nước ngoài được quy định như sau:
Điều 5. Các loại thuế áp dụng
- Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là tổ chức kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo hướng dẫn tại Thông tư này.
- Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là cá nhân nước ngoài kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT theo hướng dẫn tại Thông tư này, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo pháp luật về thuế TNCN.
- Đối với các loại thuế, phí và lệ phí khác, Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện theo các văn bản pháp luật về thuế, phí và lệ phí khác hiện hành.
Theo Thông tư 103, các loại thuế áp dụng đối với nhà thầu nước ngoài bao gồm: thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và các loại thuế, phí khác theo quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể:
– Đối với tổ chức nước ngoài hoạt động kinh doanh với vai trò là nhà thầu hoặc nhà thầu phụ, nghĩa vụ về thuế GTGT và thuế TNDN được thực hiện theo quy định tại Thông tư 103/2014/TT-BTC.
– Trường hợp nhà thầu nước ngoài hoặc nhà thầu phụ là cá nhân người nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, cá nhân này phải nộp thuế GTGT theo Thông tư 103/2014/TT-BTC và thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân theo các quy định của pháp luật hiện hành về thuế TNCN.
– Ngoài ra, đối với các khoản thuế, phí và lệ phí khác, nhà thầu và nhà thầu phụ nước ngoài phải tuân thủ các quy định liên quan được ban hành tại các văn bản pháp luật tương ứng.
3. Đối tượng nào chịu thuế GTGT nhà thầu nước ngoài theo Thông tư 103?

Theo Điều 6 Thông tư 103/2014/TT-BTC, các đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với nhà thầu nước ngoài được xác định như sau:
[1] Các dịch vụ hoặc dịch vụ gắn với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, do nhà thầu nước ngoài hoặc nhà thầu phụ nước ngoài cung cấp theo hợp đồng nhà thầu hoặc hợp đồng nhà thầu phụ, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam (ngoại trừ các trường hợp quy định tại Điều 2, Chương I của Thông tư này), bao gồm:
– Dịch vụ hoặc dịch vụ gắn với hàng hóa được cung cấp và tiêu dùng ngay tại Việt Nam.
– Dịch vụ hoặc dịch vụ gắn với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT do nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài cung cấp ngoài Việt Nam nhưng được tiêu dùng tại Việt Nam.
[2] Trong trường hợp hàng hóa được cung cấp theo hợp đồng với điều kiện: điểm giao nhận hàng hóa nằm trong lãnh thổ Việt Nam (trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 2 Chương 1 Thông tư 103/2014/TT-BTC); hoặc hàng hóa được cung cấp kèm theo các dịch vụ tại Việt Nam như lắp đặt, chạy thử, bảo hành, bảo dưỡng, thay thế, và các dịch vụ khác liên quan đến việc cung cấp hàng hóa (bao gồm cả trường hợp dịch vụ miễn phí), thì dù các dịch vụ này có được tính vào giá trị hợp đồng cung cấp hàng hóa hay không, phần giá trị hàng hóa chỉ phải chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) ở khâu nhập khẩu theo quy định. Phần giá trị dịch vụ sẽ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo hướng dẫn tại Thông tư này. Nếu hợp đồng không thể tách rời giá trị hàng hóa và dịch vụ đi kèm (bao gồm cả trường hợp dịch vụ miễn phí), thuế GTGT sẽ được tính cho tổng giá trị của cả hợp đồng.
4. Cách tra cứu mã chương nộp thuế

– Cách 1: Tra cứu tại Phụ lục I ban hành kèm thông tư 324/2016/TT-BTC ngày 21/12/2016
– Cách 2: Tra cứu tại website Tổng cục thuế
Bước 1: Truy cập vào website của Tổng cục Thuế tại địa chỉ: http://tracuunnt.gdt.gov.vn, sau đó chọn mục “Tra cứu thông tin người nộp thuế”.
Bước 2: Nhập mã số thuế của doanh nghiệp vào ô “Mã số thuế”, điền mã xác nhận hiển thị trên màn hình và nhấn nút “Tra cứu” để xem kết quả.
Bước 3: Khi hệ thống hiển thị kết quả tra cứu, hãy nhấp vào tên doanh nghiệp để xem đầy đủ thông tin chi tiết.
Lưu ý: Trường hợp không tìm thấy thông tin doanh nghiệp, có thể là do dữ liệu chưa được cập nhật. Khi đó, người dùng nên liên hệ với Tổng cục Thuế để được hỗ trợ và yêu cầu cập nhật thông tin.
Bước 4: Hệ thống sẽ hiển thị đầy đủ thông tin liên quan đến doanh nghiệp. Bạn cuộn xuống phần “Chương – Khoản” để tra cứu mã chương nộp thuế. Chỉ cần ghi lại 3 chữ số cuối của mã chương (ví dụ: 754).
Lưu ý: Nếu phát hiện thông tin doanh nghiệp hiển thị sai, bạn nên liên hệ ngay với Tổng cục Thuế để yêu cầu điều chỉnh, đảm bảo thông tin chính xác.
– Cách 3: Tra cứu mã chương khi nộp thuế điện tử.
Khi thực hiện nộp thuế điện tử, mã chương nộp thuế sẽ tự động hiển thị đầy đủ trên giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
5. Nộp sai mã chương thuế nhà thầu nước ngoài có sao không?

Trường hợp doanh nghiệp ghi sai mã chương trên giấy nộp tiền, cần tiến hành kiểm tra lại thông tin và gửi thư tra soát đến cơ quan phục vụ và cơ quan thu quản lý.
Thư tra soát này được lập theo Mẫu C1-11/NS ban hành kèm theo Thông tư 84/2016/TT-BTC, áp dụng khi phát hiện các sai sót liên quan đến việc nộp ngân sách nhà nước mà đã được cơ quan thuế hạch toán và thông báo.
– Cách 1: Nộp thư tra soát bản cứng
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Người nộp thuế cần chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm:
- Thư tra soát theo mẫu số 01/TS ban hành kèm theo Phụ lục I của Thông tư này.
- Tài liệu chứng minh liên quan (nếu có): bản sao chứng từ nộp ngân sách nhà nước, các quyết định, thông báo hoặc giấy tờ liên quan khác.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Hồ sơ có thể được nộp trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc gửi qua đường bưu điện đến bộ phận một cửa của cơ quan thuế quản lý.
Bước 3: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ
- Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan thuế sẽ tiếp nhận để xử lý.
- Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, cơ quan thuế sẽ hướng dẫn người nộp thuế bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Bước 4: Nhận kết quả tra soát
- Trong vòng 03 ngày làm việc (với tra soát loại 1) hoặc 05 ngày làm việc (với tra soát loại 2) kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ, người nộp thuế sẽ nhận được:
- Thông báo điều chỉnh hoặc không điều chỉnh thông tin theo mẫu số 01/TB-TS ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC.
- Trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện để điều chỉnh, cơ quan thuế sẽ gửi:
- Thông báo yêu cầu bổ sung thông tin theo mẫu số 01/TB-BSTT-NNT (ban hành theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP), để người nộp thuế giải trình và bổ sung tài liệu cần thiết.
– Cách 2: Nộp thư tra soát trực tuyến (qua mạng)
Đối với các doanh nghiệp đã đăng ký và kích hoạt chức năng nộp thuế điện tử, quy trình tra soát được thực hiện như sau:
Bước 1: Truy cập vào hệ thống thuế điện tử tại địa chỉ https://thuedientu.gdt.gov.vn và đăng nhập bằng tài khoản quản lý mã số thuế (MST-QL) của doanh nghiệp.
Bước 2: Tại giao diện chính, chọn mục “Nộp thuế”, sau đó tiếp tục chọn “Lập thư tra soát”.
Bước 3: Nhập đầy đủ và chính xác các thông tin cần thiết vào biểu mẫu thư tra soát theo hướng dẫn trên hệ thống.
Bước 4: Sau khi hoàn tất việc điền thông tin, chọn nút “Hoàn thành” để lưu thư tra soát.
Bước 5: Kiểm tra lại toàn bộ nội dung thư tra soát. Nếu mọi thông tin đã chính xác, cắm thiết bị chữ ký số, sau đó nhấn “Ký và nộp”, nhập mã PIN để hoàn tất việc ký điện tử và gửi thư đến cơ quan thuế.
Bước 6: Sau khoảng 01 đến 03 ngày làm việc, doanh nghiệp đăng nhập lại hệ thống tại thuedientu.gdt.gov.vn để kiểm tra kết quả phản hồi từ cơ quan thuế về việc xử lý tra soát.
Kết quả: Cơ quan thuế đã điều chỉnh theo yêu cầu của người nộp thuế.
Hiểu đúng mã chương nộp thuế nhà thầu nước ngoài là bước quan trọng để kê khai thuế chính xác và đúng quy định. Hy vọng bài viết đã giúp bạn nắm rõ nội dung cần thiết. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ ngay với AZTAX qua HOTLINE: 0932 383 089 để được tư vấn kịp thời và nhanh chóng nhé!