}

Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh được quy định thế nào?

Những thông tin cần thiết về quyền của thành viên hợp danh

Thành viên hợp danh là ai? Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh bao gồm những điều gì? Thành viên hợp danh và thành viên góp vốn giống và khác nhau như thế nào? Bài viết sau đây của AZTAX sẽ trả lời những câu hỏi trên một cách trực quan nhất, mong rằng kiến thức chúng tôi mang lại có thể giúp ích cho bạn đọc. Hãy cùng tham khảo nhé!

Khái quát về quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh
Khái quát về quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh

1. Công ty hợp danh là gì?

cong ty hop danh la gi? Công ty hợp danh là gì? Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh ra sao?
Công ty hợp danh là gì? Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh ra sao?

Công ty hợp danh là loại hình công ty mà trong đó các thành viên của công ty sẽ cùng nhau tiến hành hoạt động kinh doanh, hoạt động thương mại dưới một cái tên chung. Họ cùng nhau liên đới và chịu trách nhiệm vô hạn đối với mọi khoản nợ của công ty hợp danh.

Công ty hợp danh là loại hình doanh nghiệp mang đặc trưng của công ty đối nhân. Liên kết giữa các thành viên trong công ty chủ yếu bằng sự tin tưởng, gắn bó với nhau. Vậy nên, quyền của thành viên hợp danh và thành viên khác sẽ được xây dựng dựa trên cơ sở này.

Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân từ ngày nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tài sản của công ty hợp danh sẽ tách biệt với tài sản cá nhân.

Vốn được hình thành từ việc đóng góp của các thành viên, vốn góp sẽ được chuyển quyền sở hữu và trở thành tài sản độc lập của công ty. Thành viên hợp danh có thể sử dụng danh tính bản thân để kinh doanh các hoạt động trong phạm vi đăng ký kinh doanh của công ty.

2. Quyền của thành viên trong Công ty hợp danh

2.1 Quyền của thành viên hợp danh 

Quyền của thành viên hợp danh
Quyền của thành viên hợp danh

Thành viên hợp danh có quyền yêu cầu công ty bù đắp thiệt hại từ hoạt động kinh doanh nếu thiệt hại đó không phải do sai sót của mình. Thành viên hợp danh sẽ được chia lợi nhuận, phần lợi nhuận đó sẽ tương ứng với tỷ lệ vốn họ đã cam kết góp vào công ty.

Theo quy định của pháp luật, khi công ty giải thể hoặc phá sản, quyền của thành viên hợp danh là nhận lại một phần giá trị tài sản còn lại ứng với phần vốn góp của họ. Trường hợp Điều lệ công ty quy định một tỷ lệ khác thì phải tuân thủ tỷ lệ đó.

Thành viên hợp danh có quyền tham gia họp, thảo luận, đề xuất ý kiến và biểu quyết về các vấn đề của công ty. Mỗi thành viên hợp danh sẽ có một phiếu biểu quyết hoặc sẽ nhận số phiếu biểu quyết khác được quy định trong Điều lệ công ty.

Thành viên hợp danh được quyền sử dụng danh tính của công ty để tiến hành kinh doanh các ngành, nghề của công ty. Họ có quyền xem xét để đàm phán, ký kết hợp đồng và thỏa thuận với những điều kiện được xem là có lợi nhất cho công ty.

Trong trường hợp thành viên hợp danh cho công ty vay tiền của mình để thực hiện công việc kinh doanh của công ty thì thành viên đó có quyền yêu cầu công ty hoàn trả. Số tiền hoàn trả là cả gốc và lãi theo lãi suất thị trường dựa trên số tiền gốc họ đã ứng trước đó.

Thành viên hợp danh khi xét thấy cần thiết thì có quyền kiểm tra tài sản, sổ kế toán, báo cáo thuế và các tài liệu khác của công ty. Thành viên sẽ có quyền yêu cầu công ty hoặc các thành viên hợp danh khác báo cáo về về tình hình kinh doanh của công ty.

Thành viên hợp danh có quyền sử dụng con dấu hoặc các tài sản khác của công ty để thực hiện hoạt động kinh doanh các ngành, nghề của công ty. Ngoài ra, thành viên sẽ còn các quyền khác theo quy định của Luật pháp và Điều lệ công ty.

2.2 Quyền của thành viên góp vốn

Quyền của thành viên góp vốn
Quyền của thành viên góp vốn

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 187 Luật Doanh nghiệp 2020 số 59/2020/QH14 đã nêu rõ về quyền của thành viên góp vốn trong Công ty hợp danh cụ thể như sau:

1. Thành viên góp vốn có quyền sau đây:

a) Tham gia họp, thảo luận và biểu quyết tại Hội đồng thành viên về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung các quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn, về tổ chức lại, giải thể công ty và nội dung khác của Điều lệ công ty có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ;

b) Được chia lợi nhuận hằng năm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp trong vốn điều lệ của công ty;

c) Được cung cấp báo cáo tài chính hằng năm của công ty; có quyền yêu cầu Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên hợp danh cung cấp đầy đủ và trung thực thông tin về tình hình và kết quả kinh doanh của công ty; xem xét sổ kế toán, biên bản, hợp đồng, giao dịch, hồ sơ và tài liệu khác của công ty;

d) Chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác;

đ) Nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác tiến hành kinh doanh ngành, nghề kinh doanh của công ty;

e) Định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách để thừa kế, tặng cho, thế chấp, cầm cố và các hình thức khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty; trường hợp chết thì người thừa kế thay thế thành viên đã chết trở thành thành viên góp vốn của công ty;

g) Được chia một phần giá trị tài sản còn lại của công ty tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp trong vốn điều lệ công ty khi công ty giải thể hoặc phá sản;

h) Quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

Như vậy, thành viên góp vốn có các quyền như tham gia họp, thảo luận về các hoạt động kinh doanh của Công ty hợp danh. Ngoài ra, hội đồng thành viên công ty hợp danh còn có thể được chia lợi nhuận hằng năm dựa theo tỷ lệ phần vốn góp của mình cho công ty. Thành viên góp vốn còn có thể chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người khác.

Xem thêm: Dịch vụ thành lập công ty tại tpHCM

3. Nghĩa vụ của các thành viên trong Công ty hợp danh

3.1 Nghĩa vụ của thành viên hợp danh

nghia vu cua thanh vien hop danh trong cong ty

Nghĩa vụ của thành viên hợp danh trong công ty

Tương ứng với những quyền của thành viên hợp danh mà họ được hưởng, thành viên hợp danh phải quản lý và thực hiện công việc kinh doanh một cách trung thực, cẩn thận. Nghĩa vụ của họ là đảm bảo lợi ích hợp pháp tối đa cho công ty.

Thành viên hợp danh phải tiến hành quản lý và thực hiện hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật và theo Điều lệ công ty. Nếu không tuân theo quy định và gây thiệt hại cho công ty thì thành viên đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra.

Trong trường hợp thành viên sử dụng tên công ty, danh tính người khác để trục lợi từ hoạt động kinh doanh và không đem nộp cho công ty. Khi đó, nghĩa vụ tài chính của thành viên hợp danh là hoàn trả số tiền, tài sản mà họ đã nhận đồng thời bồi thường thiệt hại gây ra.

Nếu tài sản của công ty không đủ để thanh toán các khoản nợ, thành viên hợp danh phải cùng nhau chịu trách nhiệm thanh toán phần nợ còn lại của công ty. Họ cũng phải chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp vào công ty hoặc theo thỏa thuận trong Điều lệ công ty.

Hàng tháng, thành viên phải báo cáo trung thực, chính xác bằng văn bản về tình hình kinh doanh và kết quả kinh doanh của mình với công ty. Nếu thành viên khác yêu cầu, thành viên hợp danh phải đảm bảo cung cấp các số liệu, tình hình kinh doanh một cách trung thực.

Thành viên hợp danh của công ty không được sử dụng tài sản của công ty để trục lợi hoặc phục vụ lợi ích của cá nhân, tổ chức khác. Ngoài ra, thành viên hợp danh phải thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và theo Điều lệ công ty.

3.2 Nghĩa vụ của thành viên góp vốn trong công ty

Nghĩa vụ của thành viên góp vốn trong công ty
Nghĩa vụ của thành viên góp vốn trong công ty

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 187 Luật Doanh nghiệp 2020 số 59/2020/QH14 đã nêu rõ về nghĩa vụ của thành viên góp vốn trong Công ty hợp danh cụ thể như sau:

2. Thành viên góp vốn có nghĩa vụ sau đây:

a) Chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp;

b) Không được tham gia quản lý công ty, không được tiến hành công việc kinh doanh nhân danh công ty;

c) Tuân thủ Điều lệ công ty, nghị quyết và quyết định của Hội đồng thành viên;

d) Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

Như vậy, nghĩa vụ của thành viên góp vốn trong Công ty hợp danh như chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty, không được tham gia tiến hành công việc kinh doanh. Thành viên góp vốn phải tuân thủ điều lệ của công ty và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật đã ban hành trước đó.

4. Hạn chế quyền đối với thành viên hợp danh

Điều 180. Hạn chế quyền đối với thành viên hợp danh

1. Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân; không được làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.

2. Thành viên hợp danh không được nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

3. Thành viên hợp danh không được chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho tổ chức, cá nhân khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.

Hạn chế quyền đối với thành viên hợp danh
Hạn chế quyền đối với thành viên hợp danh

Như vậy quyền đối với thành viên hợp danh bị hạn chế các vấn đề sau:

  • Không phải là chủ sở hữu của doanh nghiệp.
  • Không thể tham gia vào công ty hợp danh khác, trừ khi được sự đồng thuận của tất cả các thành viên hợp danh còn lại.
  • Không được sử dụng tên cá nhân để kinh doanh cho mục đích cá nhân
  • Không được chuyển vốn góp của mình trong công ty cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào khác nếu không có sự đồng thuận của tất cả các thành viên hợp danh còn lại.

4. So sánh thành viên hợp danh với thành viên góp vốn

4.1 Điểm giống nhau giữa thành viên hợp danh và thành viên góp vốn

diem giong nhau giua thanh vien hop danh va thanh vien gop von
Điểm giống nhau giữa thành viên hợp danh và thành viên góp vốn

Điểm giống nhau của hai loại thành viên này là họ đều là thành viên của công ty hợp danh, có thể là cá nhân từ 18 tuổi trở lên, có khả nhận thức, làm chủ hành vi của mình. Họ đều phải đảm bảo góp đủ và đúng thời hạn số vốn như đã cam kết với công ty.

Như đã đề cập ở phần trên, tất cả các thành viên trong công ty hợp danh đều phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty. Cả hai đều được chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp hoặc theo thỏa thuận quy định tại điều lệ công ty.

Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh và thành viên góp vốn là đều được tham gia họp, nêu ra ý kiến và biểu quyết tại Hội đồng thành viên về hoạt động kinh doanh hiện tại của công ty. Họ đều có chung mục đích là giải quyết các vấn đề về quyền lợi và nhiệm vụ của mình.

Khi công ty hợp danh có quyết định bị giải thể hoặc phá sản, các thành viên không kể thành viên hợp danh hay thành viên góp vốn đều được chia một phần tài sản còn lại. Phần tài sản được chia sẽ có giá trị tương ứng với tỷ lệ góp vốn vào công ty.

Điểm giống nhau cuối cùng giữa hai loại thành viên này là họ đều có quyền yêu cầu những thành viên khác cung cấp thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh của công ty.

4.2 Điểm khác nhau giữa thành viên hợp danh và thành viên góp vốn

diem khac nhau giua thanh vien hop danh va thanh vien gop von
Điểm khác nhau giữa thành viên hợp danh và thành viên góp vốn

Sau đây là bảng thể hiện những đặc điểm khác nhau giữa thành viên hợp danh và thành viên góp vốn trong công ty hợp danh.

Đặc điểm Thành viên hợp danh Thành viên góp vốn
Số lượng Pháp luật bắt buộc công ty hợp danh phải có ít nhất 02 thành viên hợp danh. Pháp luật không bắt buộc về số lượng thành viên góp vốn, công ty có thể có hoặc không có thành viên góp vốn.
Đối tượng Là cá nhân, không thuộc những trường hợp bị cấm thành lập doanh nghiệp. Cá nhân đó phải có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực mà công ty kinh doanh như chứng chỉ hành nghề, bằng tốt nghiệp… Có thể là tổ chức hoặc cá nhân và không thuộc trường hợp bị cấm góp vốn. Thành viên góp vốn không cần phải có trình độ chuyên môn, hiểu biết về ngành nghề kinh doanh, chỉ cần thực hiện nghĩa vụ góp vốn.
Trách nhiệm Chịu trách nhiệm vô hạn, và liên đới đối với nghĩa vụ và các khoản nợ trong quá trình hoạt động của công ty hợp danh. Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm với công ty trong phạm vi vốn góp của mình.
Kết nạp thành viên Các thành viên hợp danh là đồng sở hữu của công ty hợp danh nên khi kết nạp thành viên mới, cần phải có sự đồng ý của ít nhất 3/4 thành viên hợp danh. Chỉ cần sự chấp thuận của 2/3 thành viên hợp danh để có thể kết nạp thêm thành viên góp vốn.
Chấm dứt tư cách thành viên Phải có sự đồng ý của ít nhất 3/4 thành viên hợp danh trong công ty Việc loại bỏ thành viên góp vốn chỉ cần sự chấp thuận của 2/3 thành viên hợp danh.
Quản lý công ty Thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật của công ty đồng thời là người biểu quyết và ra các quyết định trong công ty. Thành viên góp vốn không có quyền trong việc quản lý các hoạt động của công ty.
Quyền hưởng lợi nhuận Quyền của thành viên hợp danh là được hưởng lợi nhuận theo số vốn góp hoặc theo sự thỏa thuận giữa các thành viên. Thành viên góp vốn chỉ được hưởng lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp đã cam kết.
Chuyển nhượng vốn Vì công ty hợp danh là một loại hình công ty đối nhân nên thành viên hợp danh chỉ được chuyển nhượng vốn trong trường hợp các thành viên hợp danh trong công ty đã thỏa thuận với nhau. Việc chuyển nhượng vốn của thành viên góp vốn sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Quyền hạn Thành viên hợp danh không được làm chủ sở hữu của doanh nghiệp tư nhân hay làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác. Thành viên hợp danh không được quyền sử dụng danh tính cá nhân hoặc thành viên khác để thực hiện hoạt động kinh doanh giống với ngành nghề của công ty hiện tại. Quyền hạn của thành viên góp vốn tương ứng với quyền của một thành viên trong công ty đối vốn.

5. Các câu hỏi xoay quanh

5.1 Thành viên hợp danh làm chủ doanh nghiệp tư nhân thì sẽ bị xử phạt như thế nào?

xu phat thanh vien khi lam chu doanh nghiep tu nhan
Xử phạt thành viên khi làm chủ doanh nghiệp tư nhân

Tại Điều 55 Nghị định 122/2021/NĐ-CP việc xử phạt đối với hành vi vi phạm về quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh trong công ty được quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty;

b) Thành viên hợp danh đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc là thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác (trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại);

c) Thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn không nộp đủ số vốn cam kết góp vào công ty trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được chấp thuận, trừ trường hợp Hội đồng thành viên quyết định thời hạn khác.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc bổ sung đủ thành viên hợp danh đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.’

Lưu ý: Mức phạt trên đây được quy định đối với tổ chức. Đối với cá nhân vi phạm trong trường hợp này thì mức phạt tiền của người đó sẽ bằng 1/2 mức tiền phạt đối với tổ chức.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, nếu thành viên hợp danh làm chủ doanh nghiệp tư nhân có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 15.000.000 – 25.000.000 đồng. Trừ trường hợp có sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại thì có thể xem xét.

5.2 Thành viên hợp danh có được chuyển nhượng phần vốn góp cho một cá nhân, tổ chức khác không?

chuyen nhuong von gop
Chuyển nhượng vốn góp?

Như phân tích ở các mục trên, công ty hợp danh là loại hình công ty đối nhân. Việc thành lập công ty và quá trình hoạt động, kinh doanh dựa trên sự uy tín, tin tưởng giữa các thành viên là chủ yếu. Phần vốn góp của các thành viên trong công ty chỉ là yếu tố thứ yếu.

Do đó, pháp luật mới quy định rằng thành viên hợp danh không có quyền nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác để hoạt động trong phạm vi ngành, nghề kinh doanh của công ty mình. Việc này nhằm tránh ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của toàn bộ công ty.

Thành viên hợp danh vừa chịu trách nhiệm vô hạn lại vừa mang tính chất đối nhân. Vậy nên pháp luật quy định rằng quyền quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh không bao gồm việc chuyển giao phần vốn góp của mình cho cá nhân, tổ chức khác.

Tuy vậy, pháp luật nước ta cũng tôn trọng thỏa thuận của đôi bên. Nếu các thành viên hợp danh khác đồng thuận và chấp nhận cho thành viên này chuyển nhượng vốn góp thì thành viên hợp danh này sẽ được phép thực hiện việc chuyển nhượng.

5.3 Thành viên hợp danh chết thì người thừa kế của thành viên hợp danh đó có trở thành thành viên hợp danh trong công ty không?

nguoi thua ke co tro thanh thanh vien hop danh
Người thừa kế có trở thành thành viên hợp danh?

Theo Luật Doanh nghiệp 2020, trong trường hợp thành viên hợp danh chết thì người thừa kế sẽ được hưởng phần giá trị tài sản sau khi đã trừ đi phần nợ và nghĩa vụ tài sản khác. Người thừa kế có thể làm thành viên hợp danh nếu có sự đồng ý của hội đồng thành viên hợp danh.

Công ty không được sử dụng tên của thành viên đã chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của công ty để làm một phần tên hoặc toàn bộ tên cho công ty. Trường hợp này, người thừa kế có quyền yêu cầu công ty không được tiếp tục sử dụng tên của thành viên này nữa.

Bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc các thông tin cần thiết về quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh, nghĩa vụ của họ cũng như trả lời các câu hỏi xoay quanh vấn đề này. Nếu có thắc mắc xin vui lòng liên hệ với AZTAX, chúng tôi sẽ giải đáp cho bạn. Cảm ơn các bạn!

CÔNG TY AZTAX CUNG CẤP GIẢI PHÁP DOANH NGHIỆP TOÀN DIỆN

   Email: cs@aztax.com.vn

   Hotline: 0932.383.089

   #AZTAX - Giải pháp tổng thể cho doanh nghiệp

Đánh giá post
Đánh giá post