Cách Thành Lập Doanh Nghiệp Tư Nhân Đơn Giản Và Nhanh Chóng

Cách thành lập doanh nghiệp tư nhân

Thành lập doanh nghiệp tư nhân không chỉ là nhu cầu mà còn là điều bắt buộc và thể hiện sự uy tín của một cá nhân trên thương trường. Vậy quy trình thành lập doanh nghiệp tư nhân như thế nào là phù hợp với quy định của pháp luật? Cùng AZTAX tìm hiểu ngay dưới đây nhé!

Điều kiện thành lập doanh nghiệp tư nhân

Điều kiện riêng

Điều kiện riêng khi thành lập doanh nghiệp tư nhân
Điều kiện riêng khi thành lập doanh nghiệp tư nhân

Đây là phần điều kiện bắt buộc và đã được quy định tại Điều 188 – Luật Doanh Nghiệp 2020 số 59/2020/QH14 như sau:

“1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp

2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.”

Nhìn chung, khi bạn đã thành lập một doanh nghiệp tư nhân thì bạn phải có trách nhiệm toàn bộ cả về vốn lẫn pháp lý của doanh nghiệp đó. Nói cách khác đây như một đứa con tinh thần của bạn và bạn phải chăm sóc nó từng ngày và không được ngó ngàng tới Công ty khác.

Điều kiện chung

Điều kiện chung khi thành lập doanh nghiệp tư nhân
Điều kiện chung khi thành lập doanh nghiệp tư nhân

Đây là điều kiện không chỉ riêng đối với doanh nghiệp tư nhân mà còn áp dụng đến với bất kì loại hình doanh nghiệp nào. Tại Điều 27 – Luật Doanh Nghiệp 2020 số 59/2020/QH14 quy định về cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như sau:

“a) Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;

b) Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các điều 37, 38, 39 và 41 của Luật này;

c) Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;

d) Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí”

Về ngành nghề kinh doanh

Như trong điều luật, bạn chỉ được kinh doanh những ngành nghề không bị pháp luật cấm và phải có trong hệ thống ngành nghề tại Việt Nam. Chiếu theo Luật Đầu Tư 2020 thì hiện nay có tổng cộng 227 ngành nghề có điều kiện tại Việt Nam chúng ta.

Đối với các ngành nghề bị cấm thì pháp luật Việt Nam đang quy định tại Điều 6 – Luật Đầu Tư 2020 số 61/2020/QH14 như sau:

“1. Cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:

a) Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;

b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;

c) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;

d) Kinh doanh mại dâm;

đ) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;

e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

g) Kinh doanh pháo nổ;

h) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

2. Việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.”

Về tên doanh nghiệp

Như bạn cũng đã thấy tại, pháp luật Việt Nam rất nghiêm khắc với việc đặt tên doanh nghiệp và quy định nội dung này trong tận 4 điều 37, 38, 39 và 41.

Tuy nhiên, nếu bạn là một người làm ăn bình thường thì việc đặt tên sẽ không quá khó khăn. Chỉ cần bạn lưu ý các vấn đề sau:

  • Tránh lựa chọn tên doanh nghiệp mang yếu tố gây thù ghét, truyền bá thông tin độc hại.
  • Tránh lựa chọn tên doanh nghiệp trùng hay dễ nhầm lẫn với các doanh nghiệp khác.
  • Tránh lựa chọn tên doanh nghiệp là tên của các cơ quan, bộ máy chính quyền Nhà nước.

Về trụ sở chính của công ty

Về trụ sở của Doanh nghiệp/Công ty thì hầu hết mọi người sẽ có đầy đủ số nhà, địa chỉ,… và là một căn nhà riêng hoàn toàn. Tuy nhiên vẫn có nhiều người sử dụng nhà chính mình để làm trụ sở thì việc đó không hoàn toàn là sai.

Theo Khoản 11 – Điều 6 – Luật Nhà Ở 2014 số 65/2014/QH13 quy định: “Sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; sử dụng phần diện tích được kinh doanh trong nhà chung cư theo dự án được phê duyệt vào mục đích kinh doanh vật liệu gây cháy, nổ, kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn hoặc các hoạt động khác làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ gia đình, cá nhân trong nhà chung cư theo quy định của Chính phủ.

Do đó nếu nơi ở của bạn là căn hộ chung cư thì tuyệt đối không được sử dụng để làm trụ sở kinh doanh.

Về vốn đầu tư

Thông thường sẽ có Vốn Điều Lệ và Vốn Pháp Định nhưng nếu bạn thành lập doanh nghiệp tư nhân thì thật chất phần vốn của bạn sẽ tự chính bản thân bạn xác định và đăng ký.

Về chủ thể doanh nghiệp

Mọi tổ chức, cá nhân tại Việt Nam đều có quyền thành lập doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên vẫn sẽ có những trường hợp bị nghiêm cấm tại Khoản 2 – Điều 17 – Luật Doanh Nghiệp 2020 số 59/2020/QH14 như sau:

“Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

g) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.”

Hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân

Hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân
Hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân

Chiếu theo Điều 21 – Nghị Định số 01/2021/NĐ-CP quy định về các hồ sơ thành lập Doanh nghiệp tư nhân sẽ bao gồm:

“1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân”

Nếu bạn lần đầu tiên đi đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân thì chắc hẳn sẽ rất khó để tránh khỏi các sai sót. Tuy nhiên bạn cứ yên tâm, khi gửi hồ sơ thì các cơ quan cũng sẽ thông báo và hướng dẫn những gì bạn còn thiếu để có thể nhanh chóng hoàn tất thủ tục.

Trình tự thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân

Bước 1: Chuẩn bị thông tin về doanh nghiệp

Chuẩn bị thông tin về doanh nghiệp tư nhân
Chuẩn bị thông tin về doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân về mặt bản chất chính là doanh nghiệp một mình bạn và do bạn làm chủ. Chính vì thế mọi thông tin về doanh nghiệp đều do bạn quyết định từ tên, địa chỉ, bảng hiệu,… Nhưng để có thể đăng ký thành lập nhanh chóng thì bạn nên chuẩn bị kỹ các vấn đề nhạy cảm sau đây:

  • 1 – Ngành nghề mà bạn muốn kinh doanh.
  • 2 – Tên doanh nghiệp mà bạn muốn đặt.
  • 3 – Bảng hiệu của doanh nghiệp.
  • 4 – Trụ sở của doanh nghiệp.
  • 5 – Vốn đầu tư.

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân

Chuẩn bị hồ sơ đăng ký
Chuẩn bị hồ sơ đăng ký

Toàn bộ nội dung về hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân bạn có thể tham khảo lại Phần 2 của bài viết này. Nhìn chung nếu so với các loại hình doanh nghiệp khác thì doanh nghiệp tư nhân có phần đơn giản hơn rất nhiều về mặt hồ sơ.

Nếu bạn ủy quyền một ai đó đi đăng ký giúp thì phải có văn bản ủy quyền và có công chứng càng tốt.

Bước 3: Nộp hồ sơ

Nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tư nhân
Nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tư nhân

Việc nộp hồ sơ sẽ được tiếp nhận có thời gian giải quyết và lệ phí sẽ khác nhau tùy vào phương thức bạn thực hiện:

  • Đối với đăng ký qua mạng điện tử – Đăng ký tại Cổng thông tin quốc gia và sẽ có thời hạn tối đa 30 ngày.
  • Đối với đăng ký trực tiếp – Bạn sẽ nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh và có thời hạn 3 ngày làm việc.

Chiếu theo Thông tư 47/2019/TT-BTC thì sẽ miễn phí với trường hợp đăng ký trực tuyến và 50.000 VNĐ/ lần đối với trường hợp đăng ký trực tiếp.

Bước 4: Nhận kết quả mở công ty tư nhân

Nhận kết quả đăng ký doanh nghiệp tư nhân
Nhận kết quả đăng ký doanh nghiệp tư nhân

Sau khi nộp hồ sơ và chờ với thời gian quy định bạn sẽ nhận được kết quả từ Phòng đăng ký kinh doanh:

  • Nếu hồ sơ hợp lệ – Bạn sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  • Nếu hồ sơ không hợp lệ – Bạn sẽ được thông báo rõ các điều khoản, thông tin mà hồ sơ còn thiếu.

Bước 5: Khắc mẫu dấu doanh nghiệp tư nhân

Khắc mẫu dấu doanh nghiệp
Khắc mẫu dấu doanh nghiệp

Mặc dù doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân nhưng doanh nghiệp tư vẫn cần phải có con dấu doanh nghiệp. Bạn vẫn có quyền được in và phát hành các loại hóa đơn và thực hiện các giao dịch, kế toán theo như quy định của pháp luật.

Vì thế ngay khi vừa có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bạn hãy tiến hành cho làm dấu doanh nghiệp. Bạn có thể thiết kế mẫu từ trước đó rồi khi nhận được giấy thì tiến hành làm luôn cho đỡ mất thời gian.

Và chiếu theo Luật Doanh Nghiệp 2020 đang hiện hành thì bạn không phải làm thủ tục thông báo mẫu dấu.

Bước 6: Công bố thông tin công ty tư nhân

Việc tiếp theo ngay sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì bạn phải tiến hành công bố thông tin doanh nghiệp của mình trên Cổng thông tin quốc gia. Thời hạn để bạn thực hiện điều này là 30 ngày tính từ thời điểm nhận giấy.

Bước 7: Thủ tục sau khi thành lập doanh nghiệp tư nhân

Thủ tục sau khi thành lập doanh nghiệp
Thủ tục sau khi thành lập doanh nghiệp

Kê khai thuế ban đầu

Đóng thuế là nghĩa vụ toàn dân, với doanh nghiệp tư nhân khi vừa mới thành lập cho dù có doanh thu hay không thì vẫn phải làm hồ sơ kê khai thuế. Bạn phải thực hiện trong thời hạn 30 ngày tính từ thời điểm nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Mở tài khoản và thông báo số tài khoản ngân hàng

Việc mở tài khoản ngân hàng riêng cho doanh nghiệp là điều gần như bắt buộc. Nó giúp bạn giải quyết các vấn đề về thanh toán thuế, giao dịch,… Tuy nhiên sau khi đăng ký mở tài khoản thì trong vòng 10 ngày thì bạn phải thông báo lên Sở Kế hoạch và đầu tư.

Việc này giúp các cơ quan có thẩm quan có thể dễ dàng quản lý và kiểm soát các giao dịch đối với doanh nghiệp tư nhân.

Phát hành hóa đơn

In và phát hành hóa đơn cũng là một trong những việc mà bạn cần phải thông báo đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Ưu điểm, nhược điểm của công ty tư nhân

Ưu nhược điểm doanh nghiệp tư nhân
Ưu nhược điểm doanh nghiệp tư nhân

Ưu điểm

Đã tìm hiểu qua các bước cũng như hồ sơ về việc thành lập doanh nghiệp tư nhân thì bạn cũng hiểu được rằng các giấy tờ pháp lý của loại hình này khá đơn giản. Các thông tin, văn bản có thể dễ dàng thay đổi hoặc bổ sung chỉ trong một thời gian ngắn.

Nhược điểm

Doanh nghiệp tư nhân là một loại hình mà người chủ sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ bằng tài sản cá nhân của mình. Vì vậy, nếu bạn kinh doanh những ngành nghề có rủi ro cao thì việc bạn mất trắng tay là điều rất dễ xảy ra.

Vậy là AZTAX đã hướng dẫn bạn đầy đủ các bước để thành lập doanh nghiệp tư nhân một cách đơn giản nhất. Về cơ bản thì bạn cũng phải thực hiện các quy định về thuế, kê khai, hóa đơn,.. theo pháp luật hiện hành không khác gì các loại hình khác.

Nếu bạn cần sự trợ giúp về việc thành lập hoặc giải đáp các thắc mắc về doanh nghiệp tư nhân thì đừng ngần ngại mà hãy liên hệ ngay với AZTAX nhé!

CÔNG TY AZTAX CUNG CẤP GIẢI PHÁP DOANH NGHIỆP TOÀN DIỆN

   Email: cs@aztax.com.vn

   Hotline: 0932.383.089

   #AZTAX - Giải pháp tổng thể cho doanh nghiệp

5/5 - (1 bình chọn)
5/5 - (1 bình chọn)